Phân luồng cao tốc Hà Nội - Bắc Giang: Dồn dân vào thế bí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giải quyết tình trạng xe máy, ô tô đi chung trên cao tốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội Bắc Giang đề xuất, bắt buộc tất cả mô tô, xe máy lưu thông theo hướng Hà Nội - Bắc Ninh không được đi trên đường cao tốc, mà phải men theo đê Phù Đổng, trải qua quãng đường dài hơn 37km với nhiều bất cập đang còn tồn tại.

Đường dài và nguy hiểm hơn

Phương án phân luồng mới sẽ buộc mô tô, xe máy từ Hà Nội đi Bắc Ninh phải ra khỏi cao tốc Hà Nội - Bắc Giang tại nút giao đê Phù Đổng rồi men theo đê qua tỉnh lộ 277, qua đường trục khu công nghiệp VSIP về huyện Tiên Du, Phật Tích ra QL38, qua đường giao thông nông thôn ra QL18... Hoặc đi theo hướng đê Phù Đổng qua cống chui dưới cao tốc, qua xã Ninh Hiệp về tỉnh lộ 295B đến Bắc Ninh.

Chiều ngược lại xe mô tô, xe gắn máy từ Bắc Ninh sẽ đi theo hướng QL1 cũ, nay là tỉnh lộ 295B về Hà Nội.
Tỉnh lộ 295B đang sửa chữa, nâng cấp; nhiều đoạn chỉ còn một bên lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và mất ATGT. Ảnh: Ngọc Hải
Tỉnh lộ 295B đang sửa chữa, nâng cấp; nhiều đoạn chỉ còn một bên lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và mất ATGT. Ảnh: Ngọc Hải
Cung đường Hà Nội - Bắc Ninh, nếu lưu thông trên cao tốc chỉ chưa đầy 20km. Nhưng theo phương án phân luồng mới, người sử dụng mô tô, xe máy sẽ phải đi trên 37km, qua nhiều đường tỉnh lộ, giao thông nông thôn có chất lượng thấp, vòng vèo. Điều đáng nói là ngay từ đầu, dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang đã không có hạng mục đường gom dành cho mô tô, xe máy lưu thông.

Khi hỏi đường đi Bắc Ninh, một người dân tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cho chúng tôi biết, nếu không phải người địa phương rất dễ lạc đường. Không chỉ quanh co, phức tạp, người điều khiển mô tô, xe máy khi qua cung đường này còn phải “chen chúc” với từng đoàn dài ô tô, xe tải nhỏ lũ lượt đi vòng để né trạm thu phí. Từ đầu cơ đê Phù Đổng, các phương tiện phải lưu thông trên một lòng đường hẹp hơn 5m, mặt nhựa sần sùi, lồi lõm. Từ dốc 179, qua các xóm Phù Đổng 2, 3… trên đường hoàn toàn không có đèn chiếu sáng. Trên tỉnh lộ 277, xe tải lớn qua lại như mắc cửi; đường qua hầm chui QL1 sang Ninh Hiệp chật chội, nhiều điểm giao cắt. Phải rất vất vả mới tìm được lối ra tỉnh lộ 295B. Thế nhưng, tỉnh lộ này lại đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp, đường xấu, nhiều đoạn chỉ có 1 bên mặt đường được lưu thông, mật độ phương tiện cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Ai là người hưởng lợi?

Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao về tình trạng cao tốc Hà Nội - Bắc Giang không đảm bảo đủ yếu tố kỹ thuật, an toàn để lưu thông chung cả ô tô lẫn xe máy với vận tốc tối đa 100km/giờ. Đáp lại phản ứng này, thay vì tìm phương án lâu dài, phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia giao thông, Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội Bắc Giang (chủ đầu tư tuyến đường) lại chọn cách buộc mô tô, xe máy phải đi đường vòng. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng: “Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang tồn tại rất nhiều bất cập. Chủ đầu tư muốn tiết kiệm chi phí nên không làm đường gom cho mô tô, xe máy, nay lại đưa ra phương án phân luồng làm khó người dân. Đây trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà trực tiếp là Bộ GTVT”.

Đại diện CSGT, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng rất bức xúc, yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng đường gom cho người điều khiển mô tô, xe máy lưu thông, tránh tình trạng ùn tắc, mất ATGT trên các tuyến tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn.

Các chuyên gia cho rằng, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, nhiều đoạn chỉ được trải nhựa lại, không mở rộng thêm, không đạt tiêu chuẩn cao tốc. Theo ước tính của Cục CSGT, Bộ Công an, mỗi ngày có tới 20.000 lượt phương tiện qua lại tuyến đường này. Với mức phí từ 35.000 - 200.000 đồng/lượt xe qua, mỗi ngày chủ đầu tư có thể thu về hàng tỷ đồng tiền phí. Ước tính, trong suốt thời gian 18 năm 7 tháng theo hợp đồng ký kết, chủ đầu tư sẽ thu về gần 7.000 tỷ đồng, mà mức đầu tư cho toàn tuyến là 4.213 tỷ đồng. Từ thực tế đó, dư luận cần có câu trả lời cho việc làm đường BOT Hà Nội - Bắc Giang, ai là người được hưởng lợi?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần