Phân luồng nhiều tầng, giao thông thông thoáng tại các chốt kiểm soát Vùng 1

Vũ Khoa - Phạm Công/Giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ùn ứ diễn ra tại một số chốt kiểm soát người ra, vào phân Vùng 1 trong buổi sáng đầu tuần khiến không ít ý kiến tỏ ra lo ngại về an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian TP thực hiện giãn cách. Trên thực tế, tình trạng nêu trên chỉ mang tính cục bộ, do tâm lý sốt ruột của người dân về Giấy đi đường mới.

Tâm lý sốt ruột

Thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội về kiểm soát, phong tỏa "triệt để" phương tiện, người dân từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài giữa các vùng, đúng nguyên tắc cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm chéo. Từ 6 giờ sáng 4/9, Công an TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện tổ chức chốt trực, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào phân Vùng 1.

Phương tiện lưu thông thuận lợi trên cầu Thanh Trì.
Theo ghi nhận của phóng viên tại các vị trí chốt kiểm soát, xe cộ lưu thông thuận lợi trong buổi sáng 7/9, hiện tượng người, phương tiện bị dồn ứ tại một điểm không còn diễn ra. Tại chốt Cầu Diễn - điểm ùn tắc bị phản ánh nhiều nhất vào sáng 6/9, lực lượng chức năng vẫn tổ chức rào chắn để phân luồng cho xe ô tô, xe gắn máy và luồng xanh lưu thông tách biệt. Trong ngày thứ 2 thực hiện, tổ kiểm soát được bổ sung thêm 10 cán bộ, chiến sĩ CSGT để sẵn sàng phân luồng từ xa nếu xảy ra ùn ứ.
Tương tự, diễn biến giao thông ở các chốt cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì và cầu Chương Dương cũng được đảm bảo thông thoáng, lực lượng chức năng áp dụng phân luồng nhiều tầng để người dân đi lại bình thường, việc kiểm soát giấy đi đường nhanh chóng, thuận lợi. Thượng tá Nguyễn Chí Công - Phó Trưởng phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, sáng đầu tuần luôn là thời điểm áp lực giao thông cao nhất do người dân phải tới cơ quan, trụ sở. Bên cạnh đó, tâm lý sốt ruột giấy đi đường được cấp mới khiến số lượng người ra đường trong cùng một thời điểm trở nên cao đột biến.
Từ ngày 8/9, lực lượng chức năng sẽ xử phạt nếu phát hiện cá nhân sử dụng giấy đi đường không đúng quy định.
Chị Nguyễn Thị Lưu (quận Nam Từ Liêm) cho biết, do nhu cầu công việc cần thiết phải đi lại vào các quận nội thành nên khi biết TP áp dụng mẫu giấy đi đường mới, chị đã hỏi lãnh đạo công ty về việc đăng ký, cấp giấy. Tuy nhiên, do vướng vào 2 ngày cuối tuần nên phía công ty chưa có thông báo cụ thể, đồng thời sốt ruột vì không biết bản thân có được cấp giấy đi đường hay không nên chị vội vàng tới trụ sở vào sáng thứ 2 để cập nhật. Gặp phải tình trạng ùn ứ trên đường Trịnh Văn Bô hướng vào trung tâm TP, chị Nguyễn Thị Lưu tỏ ra khá bất ngờ vì việc này không diễn ra kể từ khi TP áp dụng giãn cách.
Bắt đầu xử phạt từ ngày 8/9
Để tiếp tục đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội và Công an các phường, xã, thị trấn bắt đầu ngày làm việc hối hả, khẩn trương triển khai việc cấp giấy đi đường có mã QR-Code nhận diện theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong Vùng 1 cho người dân, doanh nghiệp theo đúng quy trình hướng dẫn. Tính đến chiều 6/9 Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã cấp được 56 nghìn giấy đi đường theo mẫu mới trong tổng số 80.000 giấy được cấp cho đúng đối tượng bởi Công an TP.
Hiện nay, tất cả công tác rà soát, thẩm định cấp giấy đi đường đang được đẩy nhanh tiến độ đáp ứng nhu cầu thực tế từ các Sở, ngành gửi sang. Tuy nhiên, còn nhiều đơn vị, DN, tổ chức vẫn lúng túng trong việc xác định nhóm đối tượng được cấp giấy, nhất là diện đối tượng của nhóm 2 và nhóm 6. Do đó, Công an TP đề nghị các đơn vị, tổ chức, DN nếu chưa xác định được diện đối tượng như trên, liên hệ với Công an phường, xã, thị trấn sở tại để được hướng dẫn.
Chuyên gia giao thông, Th.S Phan Trường Thành cho biết, việc thực hiện kiểm soát bằng giấy đi đường kèm mã QR-code có tác dụng loại bỏ được hàng nghìn giấy đi đường do nhiều đơn vị, DN dù không thuộc diện cấp thiết, bắt buộc phải hoạt động ở Vùng 1 trong thời gian giãn cách nhưng vẫn tự cấp giấy, cao gấp 5 lần so với cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát bằng máy quét cũng giúp việc tiếp xúc trực tiếp giữa lực lượng chức năng tại chốt với người dân được hạn chế, giảm thiểu một phần nguy cơ lây lan của dịch Covid-19.

Trước đó, để có thời gian chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, DN nên trong 2 ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng chỉ kiểm tra nhắc nhở, tuyên truyền những người ra đường thuộc nhóm được phép nhưng chưa có Giấy đi đường theo quy định mới. Cá nhân và người điều khiển phương tiện tiếp tục được sử dụng giấy đi đường đã được cấp để phục vụ công tác kiểm tra khi có yêu cầu. Bắt đầu từ 6 giờ ngày 8/9, các chốt kiểm soát của TP sẽ kiểm soát người và phương tiện ra, vào TP, ra vào vùng 1 theo giấy đi đường mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần