Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân ngành năng lượng vì mục tiêu chiến lược quốc gia

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 11/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo lần 2 Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội thảo có sự tham gia của đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan, các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chia sẻ tại Hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, từ năm 1997 - 2019, nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ phát triển gần 7%. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm gần đây tăng 6,5% năng lượng sơ cấp và riêng điện tăng 10,5%.
Do đó, về mặt nội dung, việc xây dựng Quy hoạch Năng lượng sẽ góp phần đánh giá toàn diện về cung – cầu năng lượng quốc gia và kết nối việc phát triển năng lượng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường mà Việt Nam đã đặt ra và cam kết với cộng đồng quốc tế.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu Quy hoạch Năng lượng lần này giải quyết việc phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng, đưa ra một quy hoạch “mở” hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành năng lượng. Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng cho rằng, với vai trò là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ phải thực thi các cam kết về chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, với việc càng ngày tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc đảm bảo phát triển bền vững hệ thống năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tất cả những yếu tố trên cần được mô hình hóa và tính toán một cách hài hòa trong kịch bản phát triển năng lượng tổng thể. Theo Bộ Công Thương, các quy hoạch phát triển của từng phân ngành năng lượng như điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo… trước đây đã được các cơ quan khác nhau lập riêng rẽ, nên các quy hoạch này thiếu gắn kết, không tạo ra được một bức tranh chung cân đối và hài hòa về các mục tiêu mà chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã đề ra.
Toàn cảnh Hội thảo.
Hơn nữa, những quy hoạch riêng rẽ tập trung nhiều vào phía cung cấp và ít chú ý vào phía tiêu thụ năng lượng, do đó khó đưa ra một tầm nhìn tổng thể về vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng - một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá nhu cầu năng lượng quốc gia và triển khai các kế hoạch thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính trong Báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về "Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Chính vì vậy, quy hoạch tổng thể năng lượng lần này cần đưa ra phương án phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng tối ưu cho quốc gia, đồng thời cần bám sát các quan điểm định hướng chính trong việc phát triển năng lượng. Trong đó, cần có cơ chế khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
Đồng thời, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện…