Thể chế về quy hoạch chưa theo kịp sự phát triển
Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư ngày 21/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Qua gần 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế, thiếu quy định trong một số lĩnh vực.
Đặc biệt thiếu các quy định trong công tác lập, quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, bảo tồn và phát triển văn hóa và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh đánh giá, bên cạnh những kết quả, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quy hoạch, công trình kiến trúc cổ và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị chưa theo kịp sự phát triển của Thủ đô. Một số chỉ tiêu nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của thành phố còn chưa đạt yêu cầu về tiến độ, chất lượng của một số đề án quy hoạch, quản lý quy hoạch còn hạn chế.
Trong khi đó, tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển chưa đồng đều. Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, hạ tầng giao thông công cộng và kết nối liên vùng, đặc biệt là vùng ven đô còn nhiều khó khăn. Công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, phát triển chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, vai trò, vị thế của Thủ đô…
Trước thực trạng trên và để thực hiện những định hướng, đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đòi hỏi cần phải có các giải pháp được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phân quyền để tránh chậm trễ việc thực hiện quy hoạch
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng với cấu trúc gồm 7 chương, 59 điều (so với Luật Thủ đô 2012 gồm 4 chương, 27 điều). Trong đó, các quy định liên quan đến vấn đề quy hoạch và bảo đảm thực hiện quy hoạch được quy định tập trung ở điều 19 và điều 20. Bên cạnh một số quy định kế thừa từ Luật Thủ đô 2012, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có một số nội dung được sửa đổi và bổ sung mới.
Đáng chú ý, tại khoản 3, điều 19, với sự phân cấp ủy quyền mạnh cho Thủ đô Hà Nội khi đưa ra quy định UBND TP Hà Nội được quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Đây là một quy định mới nhằm tạo điều kiện chủ động cho UBND TP Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của TP đã được Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, mặc dù các quy hoạch đều đưa ra những dự báo, tính toán nhưng chủ yếu ở mức độ vĩ mô, vì vậy trong quá trình triển khai quy hoạch có thể có những đồ án cần phải có điều chỉnh cục bộ cho phù hợp với thực tế phát triển nhưng không phá vỡ các chỉ tiêu, định hướng của quy hoạch chung. Nếu thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch lại phải thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt theo pháp luật hiện hành sẽ làm mất nhiều thời gian, làm trễ việc thực hiện quy hoạch.
Để bảo đảm việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch không làm phá vỡ quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định tại khoản 3 Điều 19 Dự thảo Luật đã quy định UBND TP Hà Nội quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch trên cơ sở trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ quy định. UBND TP Hà Nội phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện việc điều chỉnh cục bộ.
Đồng tình với quy định về phân cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cho TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng đề xuất TP Hà Nội được quyền quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch là hợp lý và cần thiết. Đây là chính sách đặc thù đã được Quốc hội thống nhất với TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 10/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhấn mạnh, yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW cao hơn trước, bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia. Đặc biệt, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Do đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô 2012 nhằm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay và nội dung quan trọng trong việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW là phải xây dựng cơ chế chính sách vượt trội. Đồng thời, tăng quyền và giao quyền cho Hà Nội triển khai thực hiện các lĩnh vực.