Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phản ứng bất ngờ của Moscow đối với lệnh trừng phạt mới nhất của Washington

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà ngoại giao cấp cao của Nga nói rằng Washington đã đưa ra quá nhiều lệnh cấm vận đến mức Điện Kremlin không quan tâm đến lệnh trừng phạt vừa được công bố hôm 23/8.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: RT
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: RT

Theo đài RT, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 24/8 tuyên bố, việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới nhất đối với Nga đã thể hiện rõ ràng quan điểm “chống Nga" của chính quyền Washington, đồng thời khẳng định rằng các biện pháp gây sức ép kinh tế chống Nga sẽ không phát huy hiệu quả.

"Các lệnh trừng phạt chống Nga một cách vô ích do chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế, các biện pháp hạn chế này "không chỉ gây hại cho người tiêu dùng trong nước mà còn cho các đối tác của Mỹ ở các nước thứ ba" - Đại sứ Antonov viết trên trang Telegram ngày 24/8.

Ông Antonov lưu ý thêm rằng các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Nga nhiều đến mức Điện Kremlin không quan tâm đến bất kỳ thông báo nào của Washington liên quan đến việc 'trừng phạt người dân Nga'".

Tuyên bố trên được Đại sứ Antonov đưa ra sau khi chính phủ Mỹ thông báo trừng phạt gần 400 cá nhân và công ty tại Nga và trên toàn thế giới, bao gồm cả con trai và vợ của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov.

Trước đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ đã công bố gói trừng phạt trên vào ngày 23/8, ngay trước ngày Quốc khánh của Ukraine, nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Kiev trong cuộc xung đột với Moscow. Các biện pháp trừng phạt mới nhất cũng áp dụng với các tổ chức và cá nhân ở châu Á, châu Âu và Trung Đông.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết, các công ty, tổ chức tài chính và chính phủ trên toàn thế giới cần đảm bảo rằng họ không hỗ trợ chuỗi cung ứng công nghiệp quân sự của Nga.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, khoảng gần 10 mạng lưới riêng biệt, bao gồm hơn 100 cá nhân và tổ chức tại 16 quốc gia khác nhau, bao gồm cả Trung Quốc, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đáng chú ý, 18 công ty có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã bị cáo buộc có liên quan đến ngành công nghiệp quân sự của Nga.

Bộ Tài chính và Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo các tổ chức tài chính ở các quốc gia khác nên “thận trọng với bất kỳ giao dịch nào với các chi nhánh hoặc công ty con của các tổ chức tài chính Nga ở nước ngoài,” bao gồm cả những tổ chức chưa bị trừng phạt.

Trụ sở Bộ  Tài chính tại Washington. Ảnh: Getty
Trụ sở Bộ  Tài chính tại Washington. Ảnh: Getty

Các biện pháp trừng phạt mới công bố hôm 23/8 có nghĩa là mọi tài sản hoặc quyền lợi liên quan đến tài sản của những cá nhân trong danh sách, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều bị phong tỏa và phải được báo cáo với chính phủ. Tất cả các giao dịch giữa công dân Mỹ, hoặc người nước ngoài đang ở Mỹ, với những người trong danh sách đen đều bị cấm.

Washington và các đồng minh đã áp đặt hơn 22.000 biện pháp trừng phạt đối với Nga kể từ năm 2014, thời điểm Moscow sáp nhập bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý.

Nga đã gọi danh sách đen này là bất hợp pháp và đáp trả bằng các lệnh cấm đi lại đối với các quan chức và nhà hoạt động phương Tây.

Đầu năm nay, tờ Wall Street Journal cho biết, hàng loạt các lệnh trừng phạt  mạnh nhất từ ​​trước đến nay" đã không ngăn chặn được hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Theo tờ báo Mỹ, các quan chức phương Tây đã thừa nhận rằng các biện pháp hạn chế chống Nga không mang lại hiệu quả như kỳ vọng của họ.

Hồi tháng 7 vừa qua, tờ Washington Post đưa tin, khoảng 1/3 các quốc gia trên thế giới, bao gồm 60% các quốc gia thu nhập thấp, hiện đang chịu một trong những biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ. Các nguồn tin tiết lộ với Washington Post rằng Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý cả “núi” công việc liên quan đến các lệnh trừng phạt của chính quyền Washington.