Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phản ứng của Moscow khi Mỹ - EU chuẩn bị áp đặt trừng phạt mới

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Nga tuyên bố, Moscow hiểu rằng các biện pháp trừng phạt này được đưa ra xuất phát từ sức ép của Mỹ.

Ngày 13/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga của các nước phương Tây liên quan đến sự cố ở Eo biển Kerch chủ yếu là do sức ép mạnh mẽ của Mỹ và một lần nữa chứng tỏ sự thiếu độc lập của Liên minh châu Âu (EU).
Ngoại trưởng Nga chỉ trích kế hoạch áp đặt trừng phạt mới chống Moscow.
"Nhưng chúng tôi cũng biết rằng các biện pháp trừng phạt này được thực hiện dưới áp lực mạnh nhất của Mỹ, một lần nữa cho thấy sự thiếu độc lập của EU. Thật đáng buồn!", Ngoại trưởng Lavrov phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Lesotho Lesego Makgothi.
Ông Lavrov cũng khẳng định lại rằng Nga kiên định lập trường không thảo luận về các biện pháp trừng phạt với "bất cứ ai". Thay vào đó, nước Nga muốn tập trung xây dựng nền kinh tế, thúc đẩy thương mại với các đối tác nước ngoài nhằm tránh phụ thuộc vào "một bên nào đó".
"Chúng tôi từng khẳng định sẽ không thảo luận về các biện pháp trừng phạt với bất kỳ ai. Chúng tôi muốn xây dựng nền kinh tế, giao dịch với các đối tác nước ngoài bình thường để không phụ thuộc vào ý tưởng bất chợt của ai đó”, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cho hay.
Ngoại trưởng Nga nói thêm, ông coi các lệnh trừng phạt theo kế hoạch của EU là một dấu hiệu cho thấy người châu Âu một lần nữa thừa nhận việc họ không thể buộc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thực hiện các thỏa thuận Minsk.
Phát biểu trên của Ngoại trưởng Nga được đưa ra sau khi tờ Financial Times dẫn nhiều nguồn tin cho biết Mỹ và EU "sắp nhất trí về việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga" liên quan tới vụ đụng độ hải quân giữa Nga và Ukraine trên Eo biển Kerch hôm 25/11/2018.
Theo tờ Financial Times, những biện pháp trên dự kiến sẽ được bàn thảo tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EU vào ngày 18/2 và dự kiến có thể được áp dụng trong 2 tháng tới, theo nhiều nhà ngoại giao có liên quan đến vụ việc.
Một nhà ngoại giao EU cho biết: “Mọi chuyện đang ở trạng thái chờ”. Ông nhấn mạnh thêm rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được hoàn tất xong xuôi trước thời điểm cuối tháng 3/2019.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine, vốn kéo dài từ năm 2014 khi Moscow sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea, đã bị đẩy lên nấc thang nghiêm trọng mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine cùng thủy thủ đoàn tại Eo biển Kerch ở Biển Đen với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải. Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng đây là một "sự cố biên giới". Hai bên cũng đã có những biện pháp trừng phạt lẫn nhau sau vụ việc này.