Theo hãng tin Tass, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 15/6 nhận định, những bình luận của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl về việc cung cấp thêm Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine là điều vô cùng đáng lo ngại.
"Việc một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói về khả năng tăng cường cung cấp các hệ thống tên lửa tầm xa cho Ukraine là điều vô cùng đáng lo ngại. Bình luận này có thể được xem như Washington muốn leo thang căng thẳng. Điều đó chỉ càng củng cố thực tế rằng, Mỹ không có ý định tìm kiếm giải pháp hòa bình" - Đại sứ Antonov nói.
Nhà ngoại giao Nga lưu ý thêm: "Tuyên bố trên được quan chức Lầu Năm Góc đưa ra trước thềm một một cuộc họp của Mỹ và đồng minh nhằm thảo luận về sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Dường như, điều này cho thấy chính quyền Mỹ đang khiến các đồng minh tin rằng không có giải pháp nào thay thế lộ trình cung cấp cho Ukraine ngày càng nhiều vũ khí hơn".
Đài RT của Nga hôm 14/6 đưa tin, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về chính sách Colin Kahl tiết lộ Mỹ đang gửi cho Ukraine tên lửa dẫn đường hạng nặng tầm bắn 70km để sử dụng với hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS. Trước đó, Nhà Trắng từng nói rằng hệ thống HIMARS sẽ được cung cấp cho Ukraine cùng với “đầu đạn thường”.
Theo Thứ trưởng Kahl, hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS sẽ được chuyển cho Ukraine cùng với tên lửa dẫn đường GMLRS.
Khi lần đầu tiên tuyên bố cung cấp các hệ thống phóng HIMARS cho Ukraine vào ngày 1/6, Nhà Trắng cho biết chúng sẽ được trang bị "đạn chiến trường", mà nhiều người hiểu là tên lửa không dẫn đường có tầm bắn từ 32km đến 60km, dù trên thực tế HIMARS cũng có khả năng phóng tên lửa có tầm bắn lên tới 300km.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi xung đột bùng phát đến nay, Ukraine đã mất hơn 500 hệ thống pháo phản lực phóng loạt và hơn 1.900 khẩu pháo. Để tiếp tục đối phó với lực lượng Nga, Kiev đã kêu gọi các đồng minh ở phương Tây cung cấp thêm vũ khí và đạn dược.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 13/6, lãnh đạo cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk báo cáo rằng khu vực này đã hứng đợt pháo kích nặng nề nhất của quân đội Ukraine kể từ năm 2015. Các cuộc tấn công “bừa bãi” vào vùng Donetsk đã khiến 5 người thiệt mạng và gần 40 người bị thương. Giới chức Donetsk cho biết trong số các đầu đạn được quân đội Ukraine sử dụng có đầu đạn 155mm do Mỹ và các đồng minh NATO cung cấp cho Ukraine.
Moscow đã lên án vụ pháo kích nhằm vào dân thường ở Donbass. Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc gọi vụ pháo kích vào một bệnh viện phụ sản ở Donetsk là “sự vi phạm rõ ràng luật nhân đạo quốc tế”. Tuy nhiên phía Ukraine chưa nhận trách nhiệm về việc này.