Để hạn chế tình trạng này, cần có sự phối hợp giữa các cấp, ngành bằng những hành động cụ thể, đồng thời có giải pháp hỗ trợ kịp thời, giúp các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái tái hòa nhập cộng đồng.
Mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2019, trên cả nước đã phát hiện hơn 1.000 vụ mua bán người với gần 1.500 đối tượng mua bán, đã lừa bán hơn 2.600 nạn nhân.
Đáng chú ý, trong đó có 892 vụ mua bán người sang Trung Quốc (chiếm 84,2% tổng số vụ) với 1.187 đối tượng tham gia, lừa bán 2.319 nạn nhân. Các địa phương phát hiện mua bán người nhiều nhất là các tỉnh biên giới như Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Quảng Ninh...
Cũng theo thống kê giai đoạn 2011 - 2017, các cơ quan tố tụng đã phát hiện xử lý 2.748 vụ mua bán người với 4.110 đối tượng, số người đã bị mua bán là 5.984 người. Như vậy, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 900 người đã bị mua bán (trong đó 92% là phụ nữ và trẻ em).
Các kết quả trên cho thấy, mua bán người có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái. Mặc dù có những trường hợp may mắn trốn thoát hoặc được giải cứu, nhưng sau khi trở về họ lại rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc mắc phải một số chứng bệnh về tâm thần gây ra bởi sự sợ hãi đã trải qua.
Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm đấu tranh, kiềm chế và đẩy lùi một cách hiệu quả loại tội phạm này, đặc biệt là hoạt động phối hợp của ngành công an với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp.
Nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, những năm qua, các cấp Hội đã tích cực tham gia các hoạt động phòng chống mua bán người từ truyền thông, giáo dục phòng ngừa đến trực tiếp hỗ trợ các nạn nhân.
Nổi bật là "Ngôi nhà bình yên" được thành lập từ năm 2007, đang cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân toàn diện và theo dõi, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Triển khai nhiều hoạt động, mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng như: Truyền thông phiên chợ, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ nhóm...
Từ những mô hình này, Hội phụ nữ các cấp đã nhân rộng tại nhiều địa bàn, tạo hiệu quả thiết thực và sâu rộng trên khắp địa bàn trọng điểm. “Đặc biệt, Hội LHPN Việt Nam chọn năm 2019 là năm "An toàn cho phụ nữ và trẻ em" với mong muốn mỗi người dân, phụ nữ và trẻ em chung tay hành động vì một xã hội an toàn” - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho hay.
Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam cam kết và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp của các ngành chức năng trong việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các thủ tục đi lao động ở nước ngoài, các thủ tục pháp lý khi kết hôn với người nước ngoài, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và những rủi ro trong và sau quá trình đi lao động, những biện pháp để bảo vệ bản thân khỏi bị mua bán khi đi lao động.
Theo bà Vũ Thị Thanh (Viện Nghiên cứu Con người), để giảm thiểu những tổn thương gây ảnh hưởng đến nạn nhân, cần tư vấn cho các gia đình có phụ nữ và trẻ em bị mua bán để họ có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và cách thức, kỹ năng hỗ trợ người thân, giảm nguy cơ bị tái mua bán. Tăng cường hoạt động truyền thông thay đổi định kiến, kỳ thị của mọi người về phụ nữ và trẻ em bị mua bán để giảm thiểu những tổn thương về tâm lý.
Cán bộ hội, đoàn thể ở các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng biên giới cần được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng mức hỗ trợ tài chính và chăm sóc y tế cho các nạn nhân để đảm bảo sự an toàn về sức khỏe và sinh kế để họ ổn định cuộc sống khi trở về.