Trước đó, trong bài phát biểu được xem như là một Thông điệp Liên minh, hôm 13/9 tại Bỉ, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã đề xuất một "Khuôn khổ châu Âu" về kiểm soát đầu tư nước ngoài của EU.
Theo ông Juncker, đề xuất này nhằm bảo vệ các lĩnh vực chiến lược trước những mối lo chủ yếu do làn sóng thôn tính các công ty châu Âu của nhà đầu tư Trung Quốc.
Đề xuất này được xem là công cụ hữu hiệu để tất cả các thành viên EU có quyền can thiệp vào các dự án đầu tư trực tiếp do nhà nước kiểm soát trong các công ty châu Âu.
Ông Juncker nhấn mạnh nếu một công ty nước ngoài muốn mua một các tài sản chiến lược, đặc biệt một công ty trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, việc mua lại sẽ phải được thực hiện minh bạch thông qua khảo sát sâu, kiểm tra và thảo luận một cách công khai và kỹ lưỡng.
Trong một tuyên bố chung do Bộ Kinh tế Đức công bố, 3 nước Đức, Pháp và Italia đã hoan nghênh các đề xuất trên là "một bước đi quan trọng nhằm tạo một sân chơi bình đẳng ở châu Âu."
Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries cho biết Berlin rất quan tâm đến đầu tư nước ngoài nếu đáp ứng các điều kiện của thị trường.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Zypries cho rằng cần tránh việc các nước khác lợi dụng chính sách mở cửa của Berlin để thúc đẩy các lợi ích chính sách công nghiệp của họ.
Theo bà Zypries, các đề xuất của ông Juncker giúp đảm bảo sự cạnh tranh công bằng trong EU, đồng thời tạo ra sự bảo vệ tốt hơn chống lại các vụ thâu tóm công ty không tuân thủ các quy định thị trường.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh đề xuất của EU cần được nghiên cứu sâu hơn nữa nhằm đảm bảo các dự án mua công diễn ra có lợi cho cả hai bên và nên mở rộng ra tất cả các quan hệ thương mại của EU.
Hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi EC tiến tới một hệ thống đầu tư có kiểm soát từ bên ngoài EU tập trung vào những lĩnh vực chiến lược.
Vào tháng 7/2017, Đức đã trở thành nước đầu tiên trong khu vực thắt chặt các quy định về chuyển nhượng tập đoàn nước ngoài dẫn tới một loạt thỏa thuận của Trung Quốc cho phép nước này tiếp cận công nghệ và kinh nghiệm của phương Tây.
Pháp cũng có một đạo luật riêng nhằm ngăn chặn các thỏa thuận tương tự trong một số lĩnh vực như năng lượng và viễn thông.
Việc công ty Midea của Trung Quốc mua lại nhà chế tạo robot Kuka của Đức hồi năm 2016 làm gia tăng lo ngại rằng Trung Quốc đã tiếp cận quá sâu vào các công nghệ chủ chốt.