Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phấp phỏng vì... đội tuyển

Ban Mai
Chia sẻ Zalo

rnKinhtedothi - Với các đội bóng, có nhiều quân ở đội tuyển (ĐT) là vinh dự lớn. Bởi lẽ, một cầu thủ lên Tuyển không chỉ mang đến vinh dự cho cá nhân mà còn chứng tỏ được vị thế của đội bóng.

Vậy nhưng, có không ít đội bóng phải than trời vì có quá nhiều quân tham gia các ĐT quốc gia.
Méo mặt vì tuyển thủ chấn thương
Tuần này, Viettel hành quân đến Bình Phước nhằm chuẩn bị cho vòng 7 giải hạng Nhất quốc gia mà không có được lực lượng tốt nhất. Đội trưởng, cầu thủ quan trọng nhất trong đội hình Viettel là trung vệ Bùi Tiến Dũng đã bị trật bả vai và được xác định sẽ phải nghỉ thi đấu 2 tuần. Đây là tổn thất lớn của đội bóng quân đội khi Bùi Tiến Dũng không chỉ là chốt chặn tin cậy nhất mà còn là thủ lĩnh trên sân.
Viettel đang là một trong những đội bóng đóng góp nhiều quân nhất cho các ĐT quốc gia. Bên cạnh Tiến Dũng có suất đá chính tại ĐT quốc gia nam, tại ĐT U20, Viettel có đến 5 cái tên gồm: Trọng Đại, Đức Chiến, Tiến Anh, Văn Hào, Hoàng Đức. Cầu thủ lên Tuyển nhưng Viettel vẫn phải hoàn thành mục tiêu của mình, đó là giành vé thăng hạng mùa giải này.
Hơn ai hết, Viettel chính là đội bóng phải chịu tổn thất bởi việc đóng góp nhân tài cho các ĐT quốc gia. Cầu thủ trẻ triển vọng nhất của họ là tiền vệ Nguyễn Trọng Đại đã gặp chấn thương nặng khi khoác áo ĐT U19. Hệ quả là cầu thủ này phải nghỉ hết giai đoạn đầu của giải hạng Nhất quốc gia. Và khi vừa hồi phục cũng là lúc anh nhận lệnh triệu tập lên khoác áo ĐT U20 chuẩn bị cho VCK U20 thế giới.
Việc có quá nhiều cầu thủ lên Tuyển làm ảnh hưởng đến sức mạnh của Viettel. Bởi lẽ, hơn một nửa đội hình chính của đội bóng phải bước vào giai đoạn huấn luyện thể lực của ĐT U20. Trong khi đó, Viettel hiện vẫn phải thi đấu ở giải hạng Nhất khiến các cầu thủ bị sức ì, khó lòng có được phong độ cao nhất.
Nhà giàu cũng nhọc
FIFA và nhiều liên đoàn bóng đá giàu có đã tính đến phương án trả lương cho những cầu thủ bị chấn thương khi làm nhiệm vụ ở ĐT quốc gia. Điều này nhằm giúp các đội bóng có cầu thủ bị chấn thương bớt thiệt thòi. Thế nhưng, đó là câu chuyện ở trời Âu với những liên đoàn bóng đá giàu có. Còn ở Việt Nam, dù rất cầu thị nhưng VFF cũng chỉ làm được điều duy nhất là mang các cầu thủ đi chữa trị chấn thương khi thi đấu cho ĐT.
Một thiệt thòi khác của các đội bóng Việt Nam là thời gian tập trung của ĐT thường kéo dài. Bởi các cầu thủ có lối chơi khác nhau, trình độ chuyên môn và thể lực đôi khi không phù hợp với nhiệm vụ quốc gia. Chính vì thế, các HLV thường có xu hướng tập trung dài ngày để có thời gian chỉnh sửa cách chơi bóng cũng như nền tảng thể lực của học trò. Và điều này khiến các đội bóng được ưu ái khi có nhiều quân lên Tuyển thiệt thòi. Từ Hà Nội FC đến HAGL, Viettel, những đội bóng có nhiều tuyển thủ nhất luôn phải đối diện với nhiều nỗi lo. Kinh phí duy trì đội bóng nhiều hơn, cầu thủ có nguy cơ chấn thương cao hơn và thành tích chuyên môn có thể bị ảnh hưởng.
Như đã nói, trong bối cảnh hiện tại sẽ chẳng thể có một giải pháp nhằm hài lòng cho cả VFF lẫn các đội bóng. Cũng vì điều này mà sự thành bại của ĐT phụ thuộc rất lớn vào sự hy sinh của các đội bóng. Nhưng có điều, sự hy sinh đó có thể khiến các đội bóng phải trả giá đặt bằng việc mục tiêu chuyên môn không hoàn thành.