Phạt 1,6 tỷ đồng quảng cáo thực phẩm chức năng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 6 tháng đầu năm 2015, số tiền phạt quảng cáo liên quan đến thực phẩm chức năng là 1,6 tỷ ở 77 doanh nghiệp vi phạm.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bất kỳ thực phẩm chức năng (TPCN) nào khi đã công bố và được phép lưu thông trên thị trường là đảm bảo chất lượng (trừ sản phẩm bị làm giả). Tuy nhiên, trong số hơn 10.000 sản phẩm TPCN đang lưu thông trên thị trường hiện nay, chỉ khoảng 50-60% trong số đó là "sống" được, tức là được người tiêu dùng chấp nhận, còn lại là "tự diệt" vì không được người tiêu dùng ưu chuộng.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trong sản xuất thực phẩm, trong đó có TPCN cơ quan quản lý Nhà nước chỉ mới quy định 3 yếu tố về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện con người và trang thiết bị kỹ thuật. Đây là hạn chế không riêng gì của Việt Nam mà trên thế giới cũng chưa có nước nào có quy định riêng về sản xuất TPCN, chỉ có hướng dẫn áp dụng GMP (thực hành sản xuất tốt) trong sản xuất TPCN. Hiện Bộ Y tế đang làm việc với các cơ quan liên quan để ban hành quy chuẩn GMP với sản xuất TPCN ở Việt Nam.

Trong số những vi phạm về TPCN  thời gian qua mà cơ quan quản lý phát hiện được, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Có những thời điểm, hơn 53% số lượng DN vi phạm về TPCN là vi phạm liên quan tới quảng cáo (như quảng cáo khi chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt).

Trong 6 tháng năm 2015, số tiền phạt quảng cáo liên quan đến TPCN là 1, 6 tỷ ở 77 DN vi phạm.

Thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm cam kết sẽ xử lý nghiêm với hành vi vi phạm như phạt tiền, rút giấy phép, công khai sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, cơ quan phát hành quảng cáo "siết" quảng cáo TPCN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần