Trò chuyện với phóng viên, ông Khuyến cho biết, từ đời ông cha đã làm nghề mộc. Học nghề từ năm 1969, đến năm 1986, ông mới về mở xưởng làm mộc dân dụng tại nhà, tuy chật chội nhưng cũng đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
Năm 2009, được sự quan tâm của nhà nước trong việc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, gia đình ông được UBND xã Phù Đổng cho thuê khu đất ở ao Nhà Vàng, thôn Đổng Viên với diện tích 7.291m2. Thời điểm này, ao Nhà Vàng chỉ là khu đầm lầy hoang hóa, cỏ dại mọc kín, không sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được. Vì vậy, ngay sau khi ký hợp đồng thuê thầu, ông Khuyến đã đề xuất với UBND xã Phù Đổng cho phép tự đầu tư san lấp mặt bằng để có điều kiện phát triển kinh tế, với cốt san nền cho diện tích trên bình quân là 1,5m, tổng khối lượng hơn 10.000m3 đất…
“Lúc đó, để san lấp mặt bằng này, tôi phải huy động toàn bộ vốn liếng, đồng thời vay mượn an em họ hàng và ngân hàng. Chỉ tính riêng tổng số tiền san lấp đã hết hơn 1 tỷ đồng” – ông Khuyến chia sẻ.
Sau khi san lấp, ông Khuyến tiến hành làm hàng rào xung quanh, trồng cây nông nghiệp, cây cảnh và dành một phần diện tích xây dựng lán trại, nhà tạm để kết hợp làm nghề mộc.
Những năm sau đó, cơ sở sản xuất và kinh doanh của gia đình ông đã dần dần đứng vững và phát triển. Năm 2014, để ổn định sản xuất và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư yên tâm sản xuất, đồng thời xây dựng mô hình kinh tế cho địa phương, UBND xã Phù Đổng đã xây dựng phương án “Cải tạo nâng cao hiệu quả sử dụng đất – phát triển kinh tế trang trại kết hợp với dịch vụ khu ao Nhà Vàng, thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng” tại diện tích của ông Khuyến thuê thầu, đồng thời làm các thủ tục thanh lý hợp đồng.
Sau đó, phương án chuyển đổi được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt, UBND xã Phù Đổng đã tiến hành tổ chức đấu thầu công khai quyền sử dụng, ông Khuyến tiếp tục tham gia và là người trúng thầu. Lần này, ông được sử dụng khu đất trên để phát triển kinh tế trong thời hạn 20 năm với mục đích là mô hình thu gom, sản xuất chế biến sữa; trồng cây ăn quả, tạo công ăn việc làm cho lao động tại chỗ; phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Ngay sau khi tiếp nhận phương án, gia đình ông Khuyến đã bắt tay vào thực hiện. Song, do mô hình chăn nuôi, thu gom sữa ở địa phương có nhiều biến động về số lượng, giá cả và thị trường nên ông không đi theo hướng này mà tập trung vào hai hướng có thế mạnh của gia đình là chế biến lâm sản, sản xuất mộc gia dụng và tổ chức trồng, sản xuất cây cảnh bonsai.
Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai, hai hướng phát triển kinh tế của gia đình ông Khuyến đã cho hiệu quả rõ rệt. Với hơn 6.000m2 trồng rau sạch, cây ăn quả và cây cảnh bonsai, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 300 - 400 triệu đồng. Diện tích còn lại làm xưởng gỗ, chế biến lâm sản, mỗi năm cũng đem về 600 - 700 triệu đồng. Tổng cộng thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.
Hiện tại, đồ gỗ tại xưởng “Mộc Gia Nguyễn” của gia đình ông Khuyến được tiêu thụ tới nhiều dự án, công trình, khu đô thị và nhà dân ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Sản phẩm gồm các loại giường, tủ, cổng, cửa, gỗ mỹ nghệ, gỗ công trình, gỗ lát sàn… được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, xưởng gỗ “Mộc Gia Nguyễn” còn tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động địa phương (trong đó có cả người khuyết tật) với mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Văn Khuyến đã được UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề gỗ” và nhiều bằng khen, giấy khen trong lĩnh vực phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp ở địa phương. Ông Khuyến cũng cho biết, để mô hình kinh tế của gia đình có điều kiện phát triển, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, rất cần sự quan tâm của nhà nước và chính quyền các cấp.