Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát động chiến dịch "Nói không với ống hút nhựa"

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/7, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với NESTLÉ Việt Nam và nhãn hàng Milo phát động chiến dịch "Nói KHÔNG với ống hút nhựa", nhằm triển khai các hoạt động trong Phong trào Chống rác thải nhựa, hướng đến một Việt Nam xanh.

Tại buổi lễ phát động, đại diện Ban Tổ chức cho biết, chiến dịch sẽ diễn ra trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 diễn ra từ tháng 7 đến tháng 8/2021, dự kiến sẽ kêu gọi sự chung tay từ các đơn vị, doanh nghiệp, ngành hàng cung cấp dịch vụ như đồ ăn nhanh, café, rạp chiếu phim, chuỗi trà sữa (những đơn vị sử dụng nhiều sản phẩm ống hút nhựa)… qua đó lan toả các thông điệp, truyền cảm hứng hành động tới người dân và cộng đồng - những nhà vô địch trong việc nói không với ống hút nhựa.
Ảnh minh họa.
Giai đoạn 2 diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12/2021 sẽ triển khai các hoạt động hưởng ứng "Chiến dịch Làm cho Thế giới sạch hơn", đồng thời lan tỏa, đẩy mạnh chiến dịch "Nói không với ống hút nhựa", mở rộng đối tượng tuyên truyền đến trẻ em, học sinh, trường học.
Cũng tại buổi lễ phát động, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực tế hiện nay vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, một vấn đề đang thách thức nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đó là vấn nạn "ô nhiễm trắng" - rác thải nhựa.
Nhận thấy cần phải quyết tâm giải quyết vấn đề này, năm 2018, Liên Hợp Quốc đã phát động chủ đề "Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông", nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm tải ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.
 Tại buổi họp báo, dại diện Nestle MiLo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đại sứ chiến dịch cùng chia sẻ chứng nhận ''Đã chọn ống hút giấy, Nói không với ống hút nhựa''.
"Nếu bạn không thể tái sử dụng chúng, hãy từ chối chúng!". Ông Erik Solheim, người đứng đầu của cơ quan môi trường Liên hợp quốc, đã kêu gọi người dân trên toàn thế giới cùng hành động để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.
Hưởng ứng thông điệp từ Liên hợp quốc, cùng chung nỗ lực giảm thiểu chất thải nhựa, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực và đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng ở Canada, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Việt Nam năm 2018 và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Davos năm 2019.
Việt Nam đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội. Đến nay, nhận thức của người dân, của xã hội về các tác hại và giải pháp giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, ô nhiễm từ chất thải nhựa đã được nâng cao. Nhiều sáng kiến, hành động chống rác thải nhựa, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ phương thức sản xuất và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đã được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước.
Qua chiến dịch này, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn, song song với giải pháp về mặt chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân cả nước cùng chung tay tham gia, hưởng ứng bằng các hành động cụ thể, thiết thực hưởng ứng phong trào Chống rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Nestlé Việt Nam triển khai chiến dịch "Nói không với ống hút nhựa".
Cùng với đó, yêu cầu các địa phương cần tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đối với các cơ sở sản xuất, các tổ chức phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, chợ, siêu thị; xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình điểm thực hiện hạn chế sử dụng túi khó phân hủy, chuyển từ việc sử dụng túi nilon sang các loại túi giấy; thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất túi nilon khó phân hủy, đặc biệt là nhóm sản xuất quy mô hộ gia đình.