Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” hướng tới nâng cao nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến của mọi người, bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng.
Trong báo cáo mới công bố về tình hình an ninh mạng Việt Nam nửa đầu năm 2023, NCS ghi nhận sự bùng phát của lừa đảo trực tuyến. Theo đơn vị này, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra xong số nạn nhân của các vụ lừa đảo vẫn liên tục tăng.
Thiệt hại có vụ việc lên đến cả trăm triệu đồng, trong khi hình thức của các vụ lừa đảo ngày càng tinh vi và khó lường. Nâng cao nhận thức của người dân về an toàn trên môi trường số nói chung và phòng chống lừa đảo trực tuyến nói riêng, theo đánh giá của các chuyên gia, là một giải pháp đặc biệt quan trọng.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Cục An toàn thông tin cũng cho biết, có 3 nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Các hình thức lừa đảo trực tuyến chủ yếu nhắm vào các nhóm đối tượng như người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; còn các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo…
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Cục An toàn thông tin nhận thấy việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức để trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.
Được triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7 dưới sự chủ trì, điều phối của Cục An toàn thông tin, chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” có sự tham gia, phối hợp của các thành viên Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.
Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, hướng tới nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, các hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ Cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.
Trong Cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng sẽ được Cục An toàn thông tin cùng các cơ quan, tổ chức lan tỏa rộng rãi trong thời gian tới, người dân được hướng dẫn cụ thể về các dấu hiệu nhận biết cùng cách phòng tránh với 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến tại Việt Nam như: Lừa đảo “Combo du lịch giá rẻ”, lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, lừa đảo tuyển cộng tác viên online, đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng, rao bán hàng giả và hàng nhái qua sàn thương mại điện tử, phát tán tin nhắn giả mạo thương hiệu, lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền, lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook…
Nhấn mạnh việc tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong thời đại số hóa, đại diện Cục An toàn thông tin cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự phối hợp tích cực từ các cơ quan truyền thông, báo chí để lan tỏa các thông điệp, hoạt động của chiến dịch tới toàn bộ người dân Việt Nam. Qua đó, huy động sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức vào việc phòng chống lừa đảo trực tuyến và bảo vệ an toàn thông tin cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng.