Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát động giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/3, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo Phát động giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019. Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi.

Theo quy định, các tác phẩm dự thi là các tác phẩm bằng tiếng Việt được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng từ 5/9/2018 đến 5/9/2019). Nội dung các tác phẩm nếu được những vấn đề về giáo dục được xã hội quan tâm, có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; các hoạt động giáo dục tiêu biểu đã và đang triển khai ở các địa phương, cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến đại học; các tập thể, cá nhân có nhiều giải pháp, kết quả, thàn tích nổi bật, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học…
 Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam"

Ban Tổ chức lưu ý, nếu tác phẩm đăng, phát nhiều kỳ thì ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm trong khoảng thời gian nêu trên. Các loại hình báo chí xét giải gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình; các thể loại gồm: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, các chương trình phát thanh, truyền hình. Thời gian nhận tác phẩm từ ngày phát động đến hết tháng 9/2019.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An cho biết, giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” được tổ chức lần đầu vào năm 2018 và đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí ở T.Ư, địa phương. Năm 2018, Ban Tổ chức đã nhận được gần 700 tác phẩm của 4 loại hình báo chí tham dự với đề tài khá toàn diện, tạo nên bức tranh đa sắc màu của nền giáo dục Việt Nam.

Trước đó, ngày 19/11/2018, tại buổi lễ tổng kết và trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã phát động Giải báo chí toàn quốc năm 2019. Bộ trưởng tin tưởng, giải thưởng sẽ có được sức sống lâu bền bằng chất lượng và uy tín, không chỉ đối với ngành Giáo dục mà còn với cộng đồng báo chí.