Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là chủ đề của Hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức ngày 7/5 thu hút sự tham dự của đông đảo các nhà nghiên cứu Phật học. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) 2014 tổ chức tại tỉnh Ninh Bình từ ngày 7-11/5.

Tại hội thảo, hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tham luận với tiêu đề "Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong sứ mệnh góp phần thành tựu các Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc," trong đó nêu rõ Phật giáo đã giáo dục nên lòng từ bi, xóa bỏ hận thù, giúp con người biết yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Chính lý tưởng đó đã tạo nên sự hòa hợp để các dân tộc anh em cùng chung sống hòa bình, đúng theo tinh thần đại đồng của đạo Phật.
Triển lãm mỹ thuật Phật giáo đương đại tại chùa Bái Đính.
Triển lãm mỹ thuật Phật giáo đương đại tại chùa Bái Đính.
Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, đời sống tinh thần và đạo đức của con người phần nào xuống cấp. Trong bối cảnh đó, tinh thần của Phật giáo không đi sâu vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế mà khuyến khích bảo vệ quyền con người bao gồm thể hiện lòng từ bi để chia sẻ và cảm thông.

Nền tảng quan trọng nhất của đạo Phật là kêu gọi tinh thần bình đẳng, hòa hợp giữa các dân tộc. Về phương diện bảo vệ môi trường, Phật giáo quan niệm môi trường là hệ thống năng động luôn biến đổi gọi là vô thường, mọi vật trong môi trường đều không có tự tính thường còn gọi là vô ngã. 

Từ sự hiểu biết này, Phật giáo đề cao lối sống "thiểu dục tri túc" dành cho không chỉ tăng ni, phật tử, mà còn dành cho tất cả mọi người, sao cho tam độc "tham, sân, si" không còn tác động tới môi trường sống cũng như cuộc sống của những người xung quanh. 

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tư tưởng đạo lý của Phật giáo thời gian qua đã chung tay cùng xã hội để hoàn thành ba Mục tiêu thiên niên kỷ trước năm 2015, nhấn mạnh về tinh thần từ bi của Phật giáo hòa hợp cùng truyền thống người Việt đã làm tỷ lệ nghèo đói giảm đi đáng kể. 

Phương châm "Duy tuệ thị nghiệp" của Phật giáo đã góp phần vào công tác phổ cập giáo dục phổ thông và vào công tác chuyển hóa nội tâm giúp giảm thiểu tệ nạn xã hội, tôn vinh tinh thần hiếu đạo để tạo nên nếp sống tôn trọng bình quyền nam nữ. Hòa thượng hy vọng rằng phép lục hòa của Phật giáo có thể được áp dụng vào xã hội từ cấp độ gia đình đến cấp độ cơ quan đoàn thể, xã hội, quốc gia, sao cho cả thế giới đều được đại đồng. 

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 nhấn mạnh thế giới của chúng ta ngày nay đang đối diện với hàng loạt các khủng hoảng và thiên tai không dự đoán được, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liêp hợp quốc trong bối cảnh này trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. 

Giải quyết nghèo đói, xóa nạn mù chữ, thúc đẩy phát triển, thực thi công bằng xã hội trong một thế giới đầy rẫy mâu thuẫn, xung đột, khủng bố đe dọa và bạo lực dân tộc… đã trở thành nhu cầu bức thiết.

Duy trì và phát triển hòa bình lâu dài trong xã hội và đời sống của các cá nhân là một trong những việc làm quan trọng, góp phần thực hiện thành tựu các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong thời gian tới. 

Cũng trong ngày 7/5, tại Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như khai mạc hội chợ Phật giáo, diễu hành xe hoa chào mừng đại lễ, triển lãm ảnh khổ lớn panorama về chủ đề Phật giáo, phong cảnh thiên nhiên.