Phát hiện con đỉa dài 4 cm sống lâu ngày trong khí quản bé 4 tuổi

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/6, thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ Trung tâm Hô hấp của BV vừa nội soi gắp thành công 1 con đỉa dài khoảng 4 cm từ đường thở cháu V.T.T. (4 tuổi, ở Điện Biên).

Theo người nhà bệnh nhi, trẻ thi thoảng được cho đi tắm suối gần nhà. Cách thời điểm nhập viện 1 tháng, trẻ xuất hiện ho, khò khè nhiều, không sốt. Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện thì trẻ bắt đầu nôn ra máu tươi kèm theo một con đỉa. Sau nôn trẻ vẫn ho và khò khè nên được gia đình đưa đến BV tỉnh để kiểm tra, tại đây các bác sĩ phát hiện trẻ có dị vật khí quản, theo dõi viêm phổi và chuyển trẻ lên BV Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi sau nội soi gắp dị vật.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi sau nội soi gắp dị vật.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Nga - Trung tâm Hô hấp, BV Nhi Trung ương, người trực tiếp nội soi gắp dị vật cho bệnh nhi cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng ho, khò khè và tăng lên nhiều khi trẻ vận động mạnh, ăn uống…

Sau khi được bác sĩ thăm khám và kiểm tra lại, xác định tại khí quản có dị vật, bệnh nhi nhanh chóng được chuyển thẳng lên phòng mổ. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành nội soi ống cứng thấy tại khí quản bệnh nhi có dị vật “sống” màu đen, tiến hành gắp dị vật lấy ra được 1 con đỉa còn sống nguyên vẹn, dài khoảng 4 cm.

Dị vật là con đỉa sống dài khoảng 4cm trong khí quản bệnh nhi. Ảnh bác sĩ cung cấp.
Dị vật là con đỉa sống dài khoảng 4cm trong khí quản bệnh nhi. Ảnh bác sĩ cung cấp.

“Quá trình nội soi gắp dị vật, do đỉa di chuyển trong đường thở của trẻ nên khó khăn trong tiếp cận. Thêm vào đó, do con đỉa sống lâu ngày trong khí quản của trẻ nên càng ngày càng to lên, hút máu, khiến cho thành phế quản của bệnh nhân bị viêm loét, chảy máu, đọng nhiều dịch mủ, che bít kín đường thở. Hiện tại sau khi gắp dị vật, sức khoẻ trẻ ổn định, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Trung tâm Hô hấp. Dự kiến trẻ được ra viện một trong hai ngày tới” - bác sĩ Nga thông tin. Đồng thời cho biết thêm, trường hợp đỉa chui vào tai, mũi của bệnh nhi không phải hiếm. Trước đó, các bác sĩ BV Nhi Trung ương đã từng gắp một số trường đỉa chui vào mũi, tai của một số bệnh nhi. Tuy nhiên, trường hợp đỉa chui vào khí quản của bệnh nhi trên đây là lần đầu tiên.

Qua đó, các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ tránh cho trẻ tắm khe, ao, hồ, sông, suối và đặc biệt là không uống nước khe, suối khi chưa được nấu sôi vì rất dễ bị đỉa chui vào hút máu. Nếu cho trẻ đi bơi nên đi đến hồ bơi có nước lọc và đi cùng người lớn, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, đặc biệt cần tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi trẻ tắm, bơi, cần có người lớn giám sát, tuyệt đối không để trẻ tự tắm, bơi một mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần