“Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng” hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10 được triển khai trên diện rộng từ giữa tháng 9, Cục An toàn thông tin, trực tiếp là Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia phát động chiến dịch toàn dân cùng “quét sạch” mã độc trên không gian mạng Việt Nam.
Theo thông tin từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam (NCSC), với 20.000 người tham gia chiến dịch, phát hiện hơn 13.000 người sử dụng trình duyệt không an toàn, 10.000 người sử dụng hệ điều hành không an toàn, gần 3.000 nghìn IP liên quan tới rò rỉ dữ liệu và gần 9.000 IP nằm trong mạng botnet. Botnet là mạng lưới các thiết bị máy tính đã bị chiếm quyền điều khiển được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công mạng.
Chuyên gia Cục An toàn thông tin cho hay, tất cả những người dùng máy tính, di động, các thiết bị IoT có kết nối Internet đều có thể trở thành nạn nhân của mã độc. Những vị trí thường bị tin tặc tấn công là blog, hệ thống quản lý nội dung, phần mềm diễn đàn và website thương mại điện tử.
Với máy tính PC, mã độc có thể chiếm quyền điều khiển máy tính, lấy cắp dữ liệu quan trọng, ảnh hưởng đến băng thông và chất lượng dịch vụ mạng. Còn với thiết bị di động, mã độc chủ yếu lấy cắp các dữ liệu nhạy cảm như thẻ tín dụng, mật khẩu, nhật ký cuộc gọi, SMS... và theo dõi người dùng. Do đó, việc xác định loại mã độc nào đã lây nhiễm vào thiết bị là cách phòng chống và giải quyết tấn công mạng một cách triệt để.
Các phần mềm phòng chống mã độc được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin cập nhật, cung cấp miễn phí trên Cổng không gian mạng quốc gia tại địa chỉ khonggianmang.vn, cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp nào có thể kiểm tra điểm yếu trình duyệt, hệ điều hành; lộ lọt dữ liệu hay chọn dùng công cụ xử lý mã độc chuyên sâu.
“Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng” được triển khai đồng bộ tại 63 tỉnh, thành phố thông qua hệ thống các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin; đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin các bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các ngân hàng, tổ chức tài chính…
Chiến dịch nhận được sự tham gia của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trữ web, dịch vụ trung tâm dữ liệu; doanh nghiệp sản xuất phần mềm phòng, chống mã độc; doanh nghiệp an toàn thông tin mạng; và các doanh nghiệp nền tảng có nhiều người sử dụng.