Nhằm kiểm soát chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã thành lập một bộ phận phản ứng nhanh, chuyên quản lý các vấn đề chất cấm, thường trực tại TP Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ của bộ phận này là thường xuyên cập nhật thông tin về công tác kiểm soát chất cấm trên địa bàn các tỉnh, TP phía Nam, phối hợp kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ heo trên địa bàn, các trại chăn nuôi, các công ty sản xuất kinh doanh có dấu hiệu vi phạm và phối hợp xử lý, tiêu hủy động vật nếu phát hiện tồn dư chất cấm.
Kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi tại Hà Nội. |
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ NN&PTNT, trong thời gian vừa qua, các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn xuất hiện tại một số tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Tiền Giang, Bình Định, Bình Dương, Hưng Yên. Đối với những vụ việc phát hiện chất cấm trong chăn nuôi, Thanh tra Bộ NN&PTNT trực tiếp phối hợp với địa phương tiến hành xử lý, xử phạt và tiêu hủy. Tại TP Hồ Chí Minh đã tiêu hủy 2 lô heo với 83 con, tỉnh Tiền Giang tiêu hủy lô heo 14 con. Ngoài ra, Thanh tra Bộ hướng dẫn các địa phương thực hiện quy trình xử lý, tiêu hủy theo đúng quy định như: Vĩnh Long tiêu hủy 2 lô heo với 27 heo; Hải Phòng tiêu hủy 5 heo có chất cấm đưa vào giết mổ, nguồn heo từ Hưng Yên; Hà Nội tiêu hủy 7 heo có chất cấm đưa vào giết mổ, nguồn heo từ Hưng Yên. Hưng Yên phát hiện đàn heo 30 con tại một trang trại có sử dụng chất cấm Salbutamol. Ông Nguyễn Văn Việt – Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 7, có tổng số 350 mẫu thức ăn chăn nuôi và nước tiểu được lấy thử nghiệm, kết quả phát hiện 8 mẫu dương tính của 3 trường hợp tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại 3 tỉnh: Bình Dương, Hưng Yên, Bình Định. Trong tháng 8, có tổng số 312 mẫu thức ăn chăn nuôi và nước tiểu được lấy thử nghiệm, kết quả phát hiện 1 mẫu dương tính của 1 trường hợp tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại tỉnh Bình Định. Hành vi sử dụng chất cấm là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mua trực tiếp chất cấm Salbutamol về trộn vào thức ăn chăn nuôi hoặc hòa vào nước uống cho vật nuôi. Về hóa chất công nghiệp được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi đã được phát hiện là các loại hóa chất sử dụng trong nhuộm mầu công nghiệp như nhuộm màu sợi vải, nhuộm giấy; các loại hóa chất làm sơn, vôi ve quét tường; các loại hóa chất sử dụng trong sản xuất phân bón vô cơ… Các loại hóa chất này rất phổ biến, được nhập chủ yếu từ Trung Quốc và được bầy bán công khai tại các chợ đầu mối hóa chất, được các công ty hóa chất nhập và phân phối. Việc nhập khẩu, kinh doanh và bầy bán các loại hóa chất công nghiệp là hoàn toàn không vi phạm do hóa chất này được phép lưu hành, dùng trong công nghiệp và sai phạm ở đây là người mua dùng sai mục đích. Hiện tại, trên thị trường thì giá của một kg hóa chất công nghiệp chỉ bằng 1/2 giá của hóa chất cùng loại dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi, thậm chí là chỉ bằng 1/3. Sử dụng hóa chất dùng trong công nghiệp vào việc sản xuất các sản phẩm dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên động vật, sản phẩm động vật. Trong năm 2015, đã có nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam bị các nước nhập khẩu trả về vì bị tồn dư kim loại nặng. Trong tháng 7 và tháng 8/2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y tập trung tại khu vực phía Nam, nơi có nhiều công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 2 công ty nhập khẩu hóa chất và có bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và kiểm tra đột xuất đối với 16 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản. Kết quả đã phát hiện 10 công ty có hành vi vi phạm liên quan tới việc sử dụng các hóa chất công nghiệp trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đáng chú ý qua kiểm tra, Thanh tra Bộ NN&PTNT còn phát hiện hoạt chất mới nhằm mục đích kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi là Systeamine. Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, Syseamine là một tiền hooc mon có tác dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi, chất này đã bị Liên minh châu Âu cấm sử dụng trong chăn nuôi. Còn ở khu vực, các nước Trung Quốc, Philippines, Thái Lan không cấm sử dụng chất này. Tại Việt Nam, chất này được liệt vào hóa chất hạn chế sử dụng (theo Luật Hóa chất) và Bộ NN&PTNT không cho nhập, kinh doanh và sử dụng hoạt chất này trong chăn nuôi.