Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát hiện mộ cổ và giếng cổ: Còn điều đáng bàn hơn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hai ngôi mộ và một giếng cổ được các nhà khảo cổ học phát hiện và khai quật tại khu đô thị Ciputra Hà Nội (thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm) cùng hơn 30 món đồ cổ được đoán định niên đại gần 2.000 năm…

KTĐT - Hai ngôi mộ và một giếng cổ được các nhà khảo cổ học phát hiện và khai quật tại khu đô thị Ciputra Hà Nội (thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm) cùng hơn 30 món đồ cổ được đoán định niên đại gần 2.000 năm… là vấn đề được quan tâm trong hai tuần qua.

Không ai phủ nhận giá trị của những hiện vật được tìm thấy, nhưng phải khẳng định đây không phải lần đầu giếng cổ, mộ cổ "lộ diện" dưới lòng đất Hà thành. Điều quan trọng và đáng bàn nhiều hơn chính là thời điểm để các nhà khảo cổ học vào cuộc cũng như vấn đề "hậu" khai quật.

 

Giá trị của những hiện vật


Ngôi mộ lớn được tìm thấy có chiều dài 4,7m, rộng 2,15m, cao 1,9m, còn ngôi mộ nhỏ dài 3,9m, rộng 1,2m, cao 0,95m. Cả 2 ngôi mộ đều xây theo kiểu cuốn vòm, theo phong cách Hán với những viên gạch múi bưởi ở phía trên. Các nhà khảo cổ học đã nhận định, ngôi mộ lớn đã tìm thấy nhiều ở Việt Nam, nhưng ngôi mộ nhỏ thì rất hiếm gặp và cũng rất hiếm khi tìm thấy hai ngôi mộ đẹp, còn nguyên vẹn như vậy. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, người trực tiếp thám sát và khai quật khảo cổ ở đây thì đây là hai ngôi mộ đặc biệt vì có hai cái sống ở phía trên, có tác dụng như cái khóa giữ cho ngôi mộ chắc chắn và đó cũng là điểm khác biệt so với các ngôi mộ đã được phát hiện. Các nhà khảo cổ cũng đã thống kê trong hai ngôi mộ có hơn 30 hiện vật, gồm 9 cái đinh đóng quan tài, một hạt chuỗi bằng thủy tinh, một phiến đá lục màu xanh, đồ gốm, bát đồng vỡ, chiếc bình đầu gà còn rõ cả mào gà, mắt gà… Rồi cả thóc hạt, hạt gạo cháy trong lớp bùn đáy mộ và trong hai chiếc bát cổ. Bước đầu người ta đoán định hai ngôi mộ có niên đại khoảng thế kỷ thứ IV đến thứ VI.


Giếng cổ được các nhà khoa học nhận định có cùng niên đại với hai ngôi mộ. Quá trình khai quật cũng phát hiện thêm nhiều mảnh sành, sứ, gạch có niên đại muộn hơn, khoảng thế kỷ VII, VIII, IX. Ông Nguyễn Lân Cường cho rằng: Rất có thể xung quanh khu vực này có một quần thể dân cư sinh sống nên mới có giếng nước. Quanh khu vực này cũng có thể có một bến sông...


Điều quan trọng bên cạnh hiện vật


Giá trị của những hiện vật lộ diện dưới lòng đất là có thật và không phủ nhận. Chúng sẽ góp phần đắc lực cho kho tư liệu về lịch sử và con người Việt mấy nghìn năm. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, đây không phải lần đầu, giếng cổ và mộ cổ được tìm thấy. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc phân tích: Khu khai quật trước đây thuộc một làng cổ có niên đại hàng nghìn năm. Mà ở vùng đất cổ thì không thiếu gì hài cốt, lăng mộ nên chuyện tìm ra ngôi mộ cổ như trên là rất bình thường. Việc phát hiện ra một giếng cổ cũng là chuyện không lạ vì ở đâu có dân cư, ở đấy phải có nước để sinh hoạt.


Điều đáng nói khi nhìn về cuộc khai quật ở khu đô thị Ciputra lần này là thời điểm các nhà khảo cổ vào cuộc. Ông Nguyễn Văn Hảo, nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: "Đúng theo qui trình thì khi chuẩn bị thi công một công trình nào đó, người ta phải mời các nhà khảo cổ học đến, tìm hiểu xem khu vực sẽ thi công có di tích nào quan trọng hay không. Nếu không có di tích nào thì mới được phép thi công". Nhưng ở đây, rành rành là công trình đang thi công dở. Khi công nhân của TCty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị phát hiện ra mộ cổ, thì các nhà khảo cổ học mới được "vời" đến. Chính vì thế mà mộ cổ được tìm thấy cũng nứt vỡ một phần do máy xúc va phải, nghĩa là di tích của người xưa vô tình bị phá hỏng. Đây cũng là một hiện trạng đáng bàn ở nhiều cuộc khai quật khảo cổ ở Hà Nội hiện nay.


Điều quan trọng nữa là vấn đề "hậu" khai quật. Các hiện vật, di vật đã phát lộ sẽ được bảo tồn, bảo quản như thế nào để còn nguyên giá trị và phát huy được tác dụng. 3 phương pháp được đưa ra để bảo quản hai ngôi mộ. Thứ nhất là quây lại, làm mái để tránh mưa gió. Các hiện vật sẽ được làm thành mẫu vật để các nhà nghiên cứu, người dân và khách du lịch đến tham quan. Thứ hai, chuyển cả hai ngôi mộ về Bảo tàng Hà Nội. Thứ ba, lấp đi, sau này có điều kiện thì khai quật lại. Về giếng cổ, được biết Bảo tàng Hà Nội đã có công văn đề nghị di dời toàn bộ về bảo tàng để trưng bày. Giờ hiện vật đã phát lộ, giá trị hiện vật đã bước đầu được đoán định, công việc "hậu" khai quật nằm trong tay các nhà làm khảo cổ. Họ có chuyên môn để biết nên chọn phương pháp nào là hợp lý. Song một điều không thể bỏ qua, ấy là ngoài phục vụ nghiên cứu, các hiện vật còn là những "nhân chứng" biết kể chuyện lịch sử, văn hóa, tập quán và đời sống một thời của người Việt. Điều này vô cùng cần thiết cho người đương thời.

 

Phương án bảo tồn, di dời hai ngôi mộ cổ và giếng cổ được phát hiện ở Đông Ngạc là đưa về Bảo tàng Hà Nội.Với giếng cổ, do độ sâu phần khai quật là 5,1m (nếu cộng 1,4 m do bị máy xúc bạt thì tổng độ sâu của giếng là 6,5m) nên sẽ cắt thành 4 đoạn để mang về bảo tàng. Đối với 2 ngôi mộ cổ sẽ đánh số từng viên gạch, vẽ chi tiết, sau đó dỡ ra đem về bảo tàng. Nếu thực sự hai ngôi mộ cổ này có giá trị khoa học cao sẽ tiến hành phục dựng lại sau theo chi tiết từng viên gạch đã được đánh số.