Phát hiện mới, quan trọng ở “đô thị cổ” Óc Eo

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành Bùi Minh Trí khẳng định di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê hội tụ đủ các tiêu chí UNESCO về di sản văn hóa của nhân loại.

Nhiều phát hiện quan trọng

Ngày 4/1/2022, UNESCO đã chính thức đưa hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản văn hóa thế giới. Thông tin trên được Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam báo cáo trong Lễ công bố kết quả thực hiện đề án khảo cổ học văn hóa Óc Eo và ra mắt cuốn sách “Văn hóa Óc Eo – những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo – Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Công trường khai quật khảo cổ học khu di tích khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê.
Công trường khai quật khảo cổ học khu di tích khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê.

PGS.TS Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết: Đề án khoa học này có quy mô lớn, được Viện tổ chức thực hiện từ năm 2017- 2021, do ba đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam gồm Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện. Nhiệm vụ chính là khai quật, nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại các di tích ở Óc Eo - Ba Thê (An Giang) và di tích Nền Chùa (Kiên Giang) nhằm thu thập tư liệu và làm rõ lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam, đặc biệt nhằm phục vụ việc xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận khu di tích Óc Eo- Ba Thê và Nền Chùa là Di sản văn hóa thế giới.

Đến đề án nghiên cứu, khai quật kéo dài 4 năm vừa qua thì đã thu được kết quả to lớn, trong đó tìm thấy 2 di vật được công nhận bảo vật quốc gia vào cuối năm 2021. Đó là phiến đá chạm hình tượng khắc Phật đang ngồi thiền được tìm thấy tại di tích Linh Sơn Bắc thuộc khu di tích Ba Thê, và chiếc nhẫn Nandin bằng vàng, thế kỷ thứ 5 được tìm thấy ở di tích Gò Giồng Cát thuộc khu di tích Óc Eo.

Nhiều loại hình di vật quý có nguồn gốc từ nước ngoài được tìm thấy ở các hố khai quật như tiền và huy chương vàng La Mã, đèn đồng Ba Tư, gương đồng nhà Hán… đã hé lộ những bí ẩn của mạng lưới thương mại hàng hải thời bấy giờ.

Đặc biệt, phát hiện mới về đồ gốm đến từ đế chế La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc và Tây Á cho thấy Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa không chỉ được biết đến là một phức hợp đô thị cổ, có vai trò rất quan trọng trong lịch sử vương quốc Phù Nam, mà còn có mối quan hệ giao thương rất rộng mở với nhiều vương quốc cổ Đông Nam Á và cả các quốc gia ở Nam Á, Tây Nam Á, Đông Bắc Á… thông qua con đường hải thương quốc tế.

PGS.TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh thành khẳng định khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê hội tụ đầy đủ các tiêu chí của UNESCO về Di sản văn hóa của nhân loại.

Hướng tới di sản thế giới

Tại lễ công bố, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư khẳng định, kết quả thực hiện Đề án có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu làm sáng rõ vị trí, vai trò và các giá trị cơ bản của khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa trong lịch sử văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Tỉnh An Giang tự hào công trình khảo cổ này hội tụ nhiều cái nhất: Đồ sộ nhất, phát hiện nhiều di vật nhất (khoảng gần ba triệu di vật, hiện vật), phát hiện nhiều cái mới nhất, huy động nhiều nhà khoa học khảo cổ nhất. Chủ trương lập hồ sơ UNESCO được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Chính phủ và sự chung tay của bộ, ngành và các tỉnh thành có di tích An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp.

Theo ông Trần Anh Thư, từ khi được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt (2013) cho đến nay, tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng tại khu di tích Óc Eo - Ba Thê. Thời gian tới tiếp tục sẽ có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền trong tỉnh cùng thực hiện quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó có các di tích văn hóa Óc Eo.

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, kết quả nghiên cứu và những nhận định khoa học này của Đề án văn hóa Óc Eo là những bằng chứng và tư liệu xác thực làm cơ sở xây dựng hồ sơ di sản trình lên UNESCO, đặc biệt là phù hợp với tiêu chí số 2 của UNESCO.

Có thể thấy, vào những thế kỷ đầu Công nguyên, lần đầu tiên trong lịch sử, một hệ thống kinh tế thế giới được thiết lập thông qua một số tuyến thương mại châu Á nối Trung Quốc, Đông Nam Á qua Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải… Trong hệ thống đó, Óc Eo-Ba Thê đã nổi lên như một khu vực có trình độ sản xuất và thương mại phát triển nhất Đông Nam Á, nối liền giao thương giữa phương Tây và phương Đông.