Phát hiện sớm các rối loạn tâm thần

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chăm sóc sức khỏe tâm thần tốt, điều quan trọng là phải dự phòng được bệnh tật, phát hiện và điều trị sớm các rối loạn để phòng các biến chứng.

Tuy nhiên, biểu hiện bệnh lý tâm thần tương đối kín đáo, đôi khi khó phân biệt với những hoạt động bình thường. Ngoài rối loạn ăn uống (ăn quá nhiều không kiểm soát được hoặc không chịu ăn), rối loạn tâm thần ở giai đoạn sớm còn có các biểu hiện sau:

Rối loạn giấc ngủ: Thay đổi so với những biểu hiện bình thường trước đây, như khó khăn khi đi vào giấc ngủ, trằn trọc, thức dậy sớm hơn thường lệ. Bệnh nhân có thể mất ngủ kéo dài hàng tuần, hàng tháng, một số không thể duy trì giấc ngủ và thường thức trắng cả đêm. Một số bệnh nhân rối loạn chu kỳ thức - ngủ như ngày ngủ, đêm thức.

 Thay đổi tính cách: Bệnh nhân giận dữ vô cớ, thậm chí kích động đập phá, đánh người vô cớ. Đặc biệt, có thể có sự thay đổi tình cảm, thái độ với người thân như xa lánh, thù ghét bố mẹ, anh em và cho rằng anh em, bố mẹ không tốt, hại mình.

Thay đổi trong nề nếp sinh hoạt hàng ngày: Người bệnh trở nên lười biếng hơn, ít hoặc ngại giao tiếp, không quan tâm đến người thân, bỏ bê công việc, mất hoặc không duy trì các thói quen, sở thích trước kia, không chăm sóc vệ sinh cá nhân.

Thay đổi trong cách nghĩ: Bệnh nhân trở nên đa nghi hơn, hay nghi ngờ cả với người thân, thường có hành vi theo dõi, kiểm tra... hoặc có những ý nghĩ không đúng, không phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Người bệnh còn có những ý nghĩ kỳ lạ, không thể giải thích được như: Cho rằng có người đang theo dõi, hại mình và người thân của mình, hoặc có người biết mọi ý nghĩ của mình, chi phối mọi hành vi, việc làm của mình...

Thay đổi trong cách nói: Một số trở nên trầm, ít nói hơn hoặc nói một mình như đang đối thoại với người khác. Có người lơ đễnh, không tham gia được câu chuyện với người khác, nói những câu vô nghĩa, không có nội dung, các chữ, câu không liên quan với nhau, hoặc nói không ăn khớp với hoàn cảnh. Có những hành vi kỳ lạ, không phù hợp với hoàn cảnh hoặc không thể giải thích được: Đứng sững nhìn mặt trời, lúc nào cũng giữ lâu một tư thế khó chịu, đi lang thang không có mục đích...

Khi phát hiện các rối loạn tâm thần, trong trường hợp bệnh nhân còn nhận thức được bệnh của mình, nên xem xét kỹ các rối loạn này có từ bao giờ, có những nguyên nhân trong cuộc sống tác động đến hay không? Hãy bày tỏ với người thân về các rối loạn của mình để họ có thể trợ giúp hoặc đưa ra những lời khuyên hợp lý. Gia đình nên tìm hiểu kỹ những thay đổi ở bệnh nhân để động viên, chia sẻ và thông cảm, đưa đến ngay các trung tâm tư vấn tâm lý hoặc các phòng khám chuyên khoa tâm thần.