Một ngày trước khi tai nạn vỡ đập thủy điện thảm khốc xảy ra, các công ty xây đập đã biết rằng tình trạng con đập đang xấu đi, và một trong số các công ty đã phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn trước 3 ngày.
Tuy nhiên, nhiều người sống ở hạ lưu không hề nhận được cảnh báo về trận lụt chết người sắp quét qua các làng mạc, trang trại, chăn nuôi và cả mạng sống của con người.
Các công ty cho biết họ đã cảnh báo các quan chức Lào về mối nguy hiểm, và một số làng đã được sơ tán, nhưng vụ vỡ đập thủy điện đã khiến ít nhất 27 người - và có thể còn nhiều hơn - thiệt mạng, 6.600 người khác bị biến thành vô gia cư.
Hôm thứ Sáu tuần trước, các kỹ sư đã nhận thấy một vết lún sâu khoảng 10cm, ở giữa đập, Korea Western Power, một trong những công ty tiến hành dự án, cho biết trong một báo cáo gửi tới Quốc hội Hàn Quốc.
Một quan chức của công ty cho biết, tình trạng lún như vậy là phổ biến khi thời tiết mưa lớn, vì vậy các kỹ sư đã quyết định tiếp tục theo dõi.
Vào ngày Chủ nhật, các kỹ sư đã tìm thấy 10 vết nứt trên đỉnh đập và tiến hành sửa chữa, nhưng không thể có được thiết bị sửa chữa cần thiết cho hiện trường cho đến chiều hôm sau, tức ngày 23/7, thời điểm xảy ra vụ vỡ đập.
SK Engineering & Construction của Hàn Quốc, công ty xây dựng chính của dự án cho biết, lúc 9 giờ tối ngày Chủ nhật, công ty này đã phát hiện một phần của đỉnh đập bị mất.
Trong một tuyên bố, công ty cho biết đã "báo cáo ngay" thiệt hại cho chính quyền địa phương và khuyến cáo việc sơ tán các làng gần nhất bắt đầu, nhưng công ty này không cảnh báo chính quyền tỉnh cho đến trưa ngày hôm sau rằng tình hình có thể xấu đi.
Vào lúc 11 giờ sáng hôm thứ Hai, Korea Western Power cho biết, có một vết lún sâu gần 1m ở đỉnh đập.
Hôm thứ Hai, công ty này đã gửi một thông báo bằng văn bản cho các quan chức tỉnh, cảnh báo rằng Đập Saddle D đang ở trong một "điều kiện rất nguy hiểm do lượng mưa lớn" và dân làng hạ lưu cần được thông báo để di tản đến vị trí cao.
Vào chiều tối thứ Hai (23/7), con đập đã bị vỡ. SK cho biết họ đã nhận được báo cáo đầu tiên về trận lũ lụt do vỡ đập vào lúc 1 giờ 30 phút sáng thứ Ba (24/7).
Bruce Shoemaker, một chuyên gia độc lập về thủy điện ở Lào, cho rằng, các đập thủy điện là "một thảm họa nhân đạo và sinh thái" hẹn giờ, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với thủy sản hạ lưu, nguồn sống chính cho người dân địa phương.
Ian Baird, một giáo sư địa lý tại Đại học Wisconsin, Madison, chuyên về Lào và đã nghiên cứu dự án thủy điện, cho biết ông tin rằng vấn đề là do sai phạm trong quá trình xây dựng hoặc quyết định tích trữ quá nhiều nước trong hồ chứa trong khi tình trạng mưa lớn đáng lẽ phải được tính toán trước.
Các công ty đang “cố gắng phát điều này như một thảm họa thiên nhiên không phải là lỗi của họ”, ông nói. "Tôi không tin điều đó”, ông nói.