Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát hiện thêm một cá thể rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên ở Hà Nội

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều ngày tìm kiếm, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) mới đây đã phát hiện thêm 1 cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) nhờ sử dụng kỹ thuật gen môi trường (eDNA) hiện đại.

Cá thể rùa Hoàn Kiếm được phát hiện tại hồ Xuân Khanh (trái), và tại hồ Đồng Mô (phải). Ảnh: ATP.
Theo đó, loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) còn có tên gọi khác là rùa Hoàn Kiếm, rùa Hồ Gươm, được xem là loài rùa nguy cấp, quý, hiếm nhất thế giới. Tháng 1/2016, “cụ” rùa khổng lồ, cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng sống tại hồ, với tuổi thọ ước tính hơn 100 tuổi đã ra đi. 
Cũng theo ATP, hầu hết các khu vực phân bố của loài, các các thể đã bị săn bắt để tiêu thụ tại địa phương ở mức giá thấp tương tự các loài cá. Từ năm 2003, ATP - 1 tổ chức bảo tồn có trụ sở tại Anh, đã tiến hành các cuộc điều tra phỏng vấn tại nhiều khu vực thuộc 18 tỉnh miền Bắc Việt Nam để tìm kiếm các khu vực sông, hồ, và đất ngập nước nơi loài rùa từng phân bố.

Loài rùa đặc biệt này đã từng được tìm thấy tại hầu hết các khu vực thuộc đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, các các thể rùa lớn với trọng lượng cơ thể có thể đạt đến trên 150kg đã bị săn bắt mạnh mẽ trong suốt thập niên 1970 và 1980, cho đến tận những năm cuối của thập niên 1990.

Rùa Hoàn Kiếm được tin rằng đã gần bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Tính đến năm 2016, chỉ có 3 cá thể của loài được ghi nhận còn tồn tại trên thế giới. Trong đó, 2 cá thể đang được nuôi tại Vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Cặp rùa này gồm một cá thể cái và cá thể đực già đã được ghép đôi sinh sản từ năm 2008 nhưng các nỗ lực nhân giống vẫn chưa thành công do trứng rùa không được thụ tinh. Trong khi đó, cá thể rùa hoang dã duy nhất đã được ATP tìm thấy tại khu vực hồ Đồng Mô, Hà Nội vào năm 2007.

Qua các cuộc khảo sát, nhiều khu vực ưu tiên cho công tác bảo tồn loài đã được xác định. Tuy nhiên, các ghi nhận về việc săn bắt loài đã không còn, và có thể loài rùa này đã biến mất hoàn toàn ở nhiều khu vực. Hầu hết các cá thể rùa khổng lồ đã bị săn bắt ở các khu vực hồ nhân tạo được xây dựng tại các khu vực đất ngập nước. Tuy nhiên, cũng có nhiều khu vực hồ rộng với địa hình phức tạp, và có diện tích trên 1,000 ha. Loài rùa này có tập tính bí ẩn, hiếm khi nổi và lên bờ tắm nắng, thường sử dụng phần lớn thời gian của mình ở các vùng nước sâu. Điều này khiến cho việc định dạng các cá thể vô cùng khó khăn và tốn thời gian.

Để giải quyết vấn đề này, ATP đã hợp tác với Tổ chức Turtle Survival Alliance của Mỹ và Tiến sỹ Caren Goldberg thuộc Đại học bang Washington để ứng dụng kỹ thuật Gen môi trường (eDNA) trong việc tìm kiếm loài rùa này.

Đây là 1 kỹ thuật mới được nghiên cứu và ứng dụng trong nghiên cứu rùa và động vật hoang dã. Tiến sỹ Goldberg là một trong số các chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực này. Kỹ thuật này tập trung vào việc phát hiện các dấu vết di truyền nhỏ nhất trong mẫu nước được thu tại nơi cần xác minh sự tồn tại của một loài rùa động vật nào đó. Phương pháp này thường được áp dụng đối với các loài cá và lưỡng cư, gần đây, kỹ thuật này đã được ứng dụng với các loài rùa nguy cấp.
Cán bộ của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á khảo sát khu vực hồ Xuân Khanh. Ảnh: ATP.
Vào cuối năm 2016, ATP có tin tức về 1 cá thể rùa mai mềm kích thước lớn được nhìn thấy ở hồ Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội và hồ Đồng Mô không xa. Trước đó, hồ Xuân Khanh đã được tổ chức này tập trung khảo sát vào năm 2012. Vào thời gian đó, đã xuất hiện một bức ảnh chụp một cá thể rùa lớn trên hồ. Tuy nhiên, bức ảnh này không đủ rõ để xác nhận đây là ảnh một cá thể rùa.

Với thông tin mới vào năm 2016, ATP đã quyết định tiến hành thêm các đợt quan sát trong năm 2017. Sau hàng nghìn giờ quan sát, nhóm đã thấy được cá thể rùa một vài lần. Đặc biệt, vào tháng 5/2017, cuối cùng, một bức ảnh rùa đã được chụp bởi anh Nguyễn Văn Trọng, một cựu ngư dân tham gia vào công tác bảo tồn cùng với ATP từ năm 2007.

Bức ảnh với chất lượng tốt hơn cho thấy đây là một cá thể rùa mai mềm lớn, nhưng lại không đủ tốt để định dạng loài do đó ATP quyết định tiến hành thu mẫu eDNA và tiến hành phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm thuộc Đại học bang Washington.

Kết quả phân tích dương tính với kết luận rằng các dấu vết di truyền từ các mẫu nước phù hợp với các mẫu hiện có của loài, cho thấy rằng cá thể rùa trong hồ là một cá thể thuộc loài rùa Hoàn Kiếm. Phát hiện này đã nâng tổng số lượng cá thể của loài hiện được biết đến trên thế giới lên con số 4.

Kết quả này mang lại hy vong mới, với khả năng ghép đôi các cá thể hoang dã trong môi trường có kiểm soát để phục vụ mục đích nhân giống bảo tồn. Tuy vậy, ATP đánh giá, việc bảo tồn và tương lai của loài rùa quý hiếm nhất thế giới này vẫn chưa được đảm bảo, cần thêm nhiều nỗ lực để bảo vệ các cá thể đã biết, bắt, xác định giới tính và di chuyển chúng đến cùng một địa điểm để tiến hành ghép đôi.

ATP hiện vẫn đang khảo sát các khu vực ưu tiên khác nghi có loài rùa Hoàn Kiếm và hy vọng việc sử dụng kỹ thuật gen môi trường sẽ giúp xác nhận thêm các cá thể rùa khác.
Ngay sau khi xác định chính xác cá thể rùa Hoàn Kiếm tại hồ Xuân Khanh, ATP đã có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc phối hợp, cứu hộ và bảo tồn loài này tại Việt Nam.

ATP đánh giá, cả 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam (1 tại hồ Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội; 1 ở hồ Xuân Khanh) đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ đến từ hoạt động đánh bắt thủy sản và các dự án phát triển kinh tế xã hội tại khu vực. 

Đặc biệt, hồ Xuân Khanh đang được tư nhân đấu thầu và quản lý. Từ đầu tháng 4/2018 đến nay, đơn vị quản lý hồ đang tiến hành 1 loạt các hoạt động đánh bắt cá ở phần nửa hồ - nơi xác định cá thể rùa Hoàn Kiếm đang sinh sống. 

Trước lo ngại việc đánh bắt này sẽ làm nguy hiểm tới rùa Hoàn Kiếm, ATP đề nghị, trong trường hợp cá thể rùa Hoàn Kiếm bị bắt bởi hoạt động đánh bắt cá, cơ quan chức năng cần đưa rùa về nơi an toàn để bảo tồn. 

Trước mắt, ATP kiến nghị nên đưa rùa về hòn đảo trên hồ Đồng Mô. Đây là hòn đảo có diện tích gần 5000 m2 đã được ATP khảo sát và lựa chọn cho việc xây dựng cơ sở bảo tồn loài.