Tính chất cư chú thời Đông Hán
Ngày 3/3, Bảo tàng Hà Nội cho biết đơn vị đang phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khai quật di tích Thành Quèn (thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai - Hà Nội) để làm rõ quy mô, tính chất, niên đại và vị trí của di tích trong lịch sử 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc Việt Nam nói chung.
Kết quả khai quật cho thấy Thành Quèn có tính chất cư trú thời Đông Hán thế kỷ 1-3. Điều này được nêu trong báo cáo của nhóm chuyên gia: Đặng Hồng Sơn, Bùi Văn Tùng, Hoàng Thị Mỹ Trang (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), Ngô Thị Thanh Thúy, Nguyễn Thị Hương (Bảo tàng Hà Nội).
Cuộc khai quật mở hai hố trong khu vực được xác định nằm trong khuôn viên Thành Quèn với tổng diện tích khai quật 19m2. Về địa tầng di tích, dày trung bình 70-100cm, độ sâu bề mặt sinh thổ khoảng 170-200cm so với mặt bằng; lớp đất canh tác, cư trú và mới bồi đắp bên trên dày khoảng 70-110cm.
Tầng văn hóa là lớp đất sét pha nhiều cát và laterite, màu nâu đỏ và xám, tơi xốp, rất ẩm ướt do việc bơm nước sông Tích vào đồng làm ruộng. Rải rác trong tầng văn hóa có lẫn tro than củi, có chỗ tạo thành lớp tro than dày 1-2cm. Trong tầng văn hóa chứa nhiều mảnh ngói, gốm cứng văn in và một số mảnh gốm men, gốm đất nung, tiền đồng Ngũ thù. Không phát hiện di tích kiến trúc hoặc di tích nào đặc biệt.
Hố khai quật thứ 2 có ở độ sâu khoảng 150cm so với mặt bằng, lớp đất canh tác và cư trú bên trên dày khoảng 40-50cm, tầng văn hóa dày khoảng 100-110cm. Tầng văn hóa là lớp đất sét pha cát và laterite, màu nâu đỏ, khô và rắn chắc; rải rác có lẫn tro than củi, có chỗ tạo thành lớp tro than dày 1-2cm.
Trong tầng văn hóa ken dày đặc mảnh ngói, gốm cứng văn in và một số mảnh gốm men, gốm đất nung và có 1 rìu đá mài. Ngoài một số cụm ngói và gốm, không phát hiện di tích kiến trúc hoặc di tích nào đặc biệt .
Nhiều di vật mang đặc trưng
Cuộc khai quật di tích Thành Quèn năm 2023 đã thu được số lượng lớn mảnh vỡ của các loại hình vật liệu kiến trúc bằng đất nung và đồ gốm gia dụng.
Trong hố khai quật đã phát hiện số lượng lớn ngói cong, chủ yếu là các loại ngói màu đỏ, hồng, vàng, xám mốc, đen... có độ nung cao thấp khác nhau. Ngói bản thường có văn chải hoặc thừng đập dọc lưng ngói, bụng ngói thường để trơn, một số bụng ngói có dấu vải.
Ngói ống thường có văn chải hoặc thừng đập dọc lưng ngói, bụng ngói thường có dấu vải. Đầu ngói ống rất ít, mới phát hiện một vài tiêu bản có trang trí vân mây. Gạch có số lượng ít, thuộc loại gạch có hoa văn ô trám đơn ở cạnh dọc.
Các loại gạch ngói này đều mang đặc trưng kỹ thuật và hoa văn thời Đông Hán, thế kỷ 1-3, tương tự như loại hình gạch ngói thời Đông Hán ở di tích Luy Lâu (Bắc Ninh) và Cúc Bồ (Hải Dương).
Đồ gốm chủ yếu là gốm cứng văn in ô vuông, ô trám, xương cá thuộc các loại hình bình vò và nắp. Gốm men có các loại bát có chân đế thấp, bình vò, nắp thuộc loại gốm men trắng mỏng. Hai loại đồ gốm cứng và gốm men này đều mang đặc trưng chung của loại hình gốm thế kỷ 1-3 từng phát hiện tại các di tích Đông Hán ở miền Bắc Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học còn phát hiện các loại nồi gốm đất nung đập văn thừng thô kiểu Đông Sơn, một số mảnh gốm men trắng vẽ lam thời Hậu Lê nằm trong lớp xáo trộn liền sát bên trên bề mặt xuất lộ tầng văn hóa hố số 1. Di vật khác có một số tiền đồng “Ngũ thù” trong tầng văn hóa hố 1, một rìu đá kiểu Đông Sơn trong hố 2.
Kết quả khai quật đã khẳng định Thành Quèn có tính chất cư trú thời Đông Hán thế kỷ 1-3. Theo báo cáo sơ bộ, có thể Thành Quèn là huyện trị của một huyện thuộc quận Giao Chỉ thời Đông Hán.
Hiện chưa phát hiện dấu tích và di vật thời Lục Triều và Tùy Đường. Đến thế kỷ 10, huyện thành này có thể được sử dụng để làm trung tâm hoạt động của một lực lượng sứ quân, theo sử sách và dân gian có thể là sứ quân Đỗ Cảnh Thạc. Từ thời Hậu Lê có thể có cư dân mới bắt đầu cư trú ở khu vực này.