Điều đáng nói, chính quyền phường sở tại cho rằng không có phát sinh vi phạm mới nhưng trên thực tế, ngoài những công trình vi phạm đã tồn tại thì tình trạng đổ phế thải vẫn tiếp tục diễn ra, hành lang thoát lũ sông Hồng đứng trước nguy cơ bị xâm hại. Đổ phế thải chiếm đất công... Sau hơn một tháng trở lại thực địa, chúng tôi đi sâu vào cuối ngõ 76, phố An Dương. Tại đây, tình trạng đổ phế thải xây dựng vẫn tiếp tục diễn ra, và các đối tượng lợi dụng buổi đêm để hành sự. Qua quan sát, tại đây có hàng chục đống phế thải xây dựng mới. Khu vực cuối ngõ 310 Nghi Tàm, bãi đất rộng tới cả ngàn mét vuông đã được trưng dụng thành bãi đỗ xe vẫn nguyên tình trạng đổ phế thải lấn đất bãi. Nhìn từ mặt đường phố An Dương, khu đất này đã được quây kín bởi tường rào tôn, phía cổng vào, có một biển cấm với nội dung: "Đất công do UBND phường quản lý, cấm vi phạm". Được biết, bãi đất trống này trước đây biến thành bãi đổ phế thải xây dựng, sau đó một số đối tượng có "máu mặt" ra chiếm dụng. Nhưng thời gian sau đã xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự nên UBND phường Tứ Liên tiến hành thu hồi. Ông Nguyễn Văn T. (ở phố An Dương) cho biết: Khu đất đã được phường thu hồi và cắm biển rõ như vậy, nhưng vẫn bị một số cá nhân đứng ra cho đổ đất, phế thải san ủi làm bãi trông xe.
Hàng chục ngôi nhà cấp 4 mọc lên tại đất bãi giáp dòng chảy, xâm hại hành lang thoát lũ sông Hồng (thuộc phường Tứ Liên). Ảnh chụp ngày 31/3/2014. |
Tại bãi đất phía cuối ngõ 124 Âu Cơ (khu vực đất bãi) chúng tôi không khỏi giật mình bởi mốc chỉ giới hành lang thoát lũ đã được cắm nhưng nhiều công trình như nhà cửa, lều lán vẫn được dựng lên thách thức dư luận. Được biết, những ngôi nhà cấp 4 ở khu vực này đã "mọc" lên từ nhiều năm qua, ban đầu người dân làm đất bãi dựng lều lên làm nơi trồng hoa màu, quất cảnh, nhưng sau đó xây gạch, lợp mái tôn... để ở hoặc xây thành nhiều phòng cho thuê. Lâu dần, đến nay, không hiểu bằng cách gì, những nhà cấp 4 này đã được cấp đầy đủ điện, nước sinh hoạt... Chuyển cơ quan điều tra? Ông Lê Quang Chính - Trưởng Phòng TNMT, quận Tây Hồ cho biết, những năm trước tình trạng đổ phế thải, dựng lều lán lấn chiếm đất bãi sông Hồng là vấn đề "nóng" diễn ra trên địa bàn các phường Tứ Liên, Yên Phụ, Phú Thượng. Trong thời gian gần đây, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền thì tình trạng này đã cơ bản được ngăn chặn, song vẫn còn một số đối đối tượng cố tình vi phạm, đặc biệt tại những điểm giáp ranh giữa các phường. Ngoài ra, công tác chỉ đạo của một số UBND phường còn buông lỏng, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ quản lý TTXD, cán bộ địa chính chưa cao dẫn đến một số vi phạm về TTXD, quản lý đất đai chậm được phát hiện và xử lý dứt điểm ngay từ đầu… Năm 2013, lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ hàng chục trường hợp vi phạm lấn chiếm thu hồi đất với tổng diện tích hơn 10.000m2 (trong đó tổ chức cưỡng chế 9 trường hợp với diện tích thu hồi hơn 9.000m2, vận động 4 trường hợp các hộ gia đình tự nguyện bàn giao đất vi phạm với diện tích hơn 1.000m2). "Sau khi báo Kinh tế & Đô thị phản ánh, Phòng TNMT đã cử cán bộ kết hợp với UBND phường Tứ Liên tiến hành kiểm tra xác minh. Qua đó, cho thấy khu cuối ngõ 76, phố An Dương có 2 nhà tạm khung tre, lợp bạt, 1 sân bóng, 1 khu đất quây thép B40 có trồng cây cảnh. Tại khu vực này có hiện tượng người dân xếp gạch và dựng cửa tôn, khung thép bên trong… Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với phường kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý dứt điểm những vi phạm" - ông Chính nói. Được biết, Phòng TNMT vừa phối hợp với UBND phường Yên Phụ kiểm tra khu đất 3.000m2 địa chỉ cuối ngõ 76 phố An Dương. Khu đất này là đất bãi bồi ven sông, qua kiểm tra, phát hiện khu đất có ngăn các ô đất bằng các cọc tre và dây thép gai theo từng ô chạy dọc phía ngõ đi, (không rõ đối tượng vi phạm theo báo cáo của các cán bộ địa chính, Thanh tra Xây dựng phường). Phòng TNMT đã đề nghị UBND quận giao UBND phường Yên Phụ tổ chức tháo dỡ ngay các hàng rào ngăn các ô đất, nếu có dấu hiệu mua bán đất công, UBND phường lập hồ sơ báo cáo UBND quận để chuyển cơ quan điều tra. Để tìm hiểu rõ thêm về công tác quản lý và kiểm tra, xử lý đối với những sai phạm này, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo phường Tứ Liên, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Quang cho biết, sự việc đã giao cho Phó Chủ tịch phụ trách. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên thì ông Hùng tìm cách… né tránh với lý do: "Tôi không có quyền phát ngôn với báo chí, nhiệm vụ của tôi chỉ báo cáo lại sự việc, nếu muốn tìm hiểu thì phóng viên gặp đồng chí Chủ tịch UBND phường" (?). Dư luận đang đặt câu hỏi: Vì sao chính quyền sở tại "làm ngơ" trước các vi phạm? Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.