Theo GS Trần Quốc Vượng, xứ Đoài xưa là nơi hợp dung văn hóa giữa người Mường cổ cư trú ở vùng núi ngay cạnh người Việt cổ sống ở đồng bằng nên đã sinh ra tiếng Việt cổ - gốc gác của tiếng Việt ngày nay. Xa xưa, người Mường gốc xứ Đoài sống quanh chân núi Ba Vì.
Theo báo cáo của Cục Thống kê về kết quả điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2019, dân tộc Mường tại Hà Nội chiếm 57,66% trong tổng số các dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội, sinh sống thành cộng đồng tại huyện Ba Vì (25.047 người), Thạch Thất (11.464 người), Quốc Oai (6.078 người), Mỹ Đức (5.541 người).
Cộng đồng người dân tộc Mường tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai còn giữ tập quán mời thầy mo cúng mo khi nhà có người mất, các nghi lễ có sử dụng mo trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường vẫn đang được thực hành.
Hiện trạng thực hành di sản hiện nay cho thấy, cùng với sự cộng cư của người Kinh, sự giao thoa văn hóa dẫn đến những thay đổi trong nhận thức của người Mường bản địa, thêm vào đó, những quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang không để thi thể trong nhà quá 48 giờ.
Vì vậy, tất cả các nghi thức phải giải quyết trong một ngày đêm, các ông mo đã phải cắt lời mo theo cách chỉ chọn những đoạn quan trọng. Chẳng hạn, trước đây đám tang kéo dài, ông mo dẫn vía đi chơi như: đi chợ sông Tị (chợ chàng Khò chàng Khen), Mo vườn hoa (Wần wa), Chơi chúa quan, Lên trời xin tuông… kéo dài nhiều ngày đêm.
Bây giờ, chỉ trong vòng một đêm nên thầy mo chỉ đủ thời gian để điểm tên các địa điểm, lược bớt các roóng mo, kể các câu chuyện trên đường đi lên trời.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 7 nghệ nhân Mo Mường, Trong đó có 6 nghệ nhân đang thực hành thường xuyên, 1 nghệ nhân do tuổi cao đã lẫn và không còn thực hành nữa. Phần lớn các nghệ nhân đều cao tuổi và chưa có học trò theo học.
Các bài mo chủ yếu được truyền miệng, chưa được ghi chép biên tập, thêm vào đó thế hệ trẻ phần lớn không mặn mà với việc nghe mo. Vì vậy, di sản Mo Mường tại Hà Nội đang đứng trước nguy cơ mai một cần phải có kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị kịp thời.
Trong những năm vừa qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong đó có dân tộc Mường, như: “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2015 - 2020”; bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số với chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020.
Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Hà Nội. Đối với di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường chủ yếu được bảo vệ và phát huy bởi nghệ nhân và cộng đồng dân tộc Mường.
Theo Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở VH&TT Hà Nội Phạm Thi Lan Anh, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa khiến các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường nói riêng đã có nhiều biến đổi; nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần có sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể và cộng đồng nắm giữ di sản triển khai đồng bộ các biện pháp.
Những biện pháp đó là: nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa; khuyến khích mỗi cộng đồng người Mường đào tạo các thế hệ kế cận thực hành di sản Mo Mường; tôn vinh, khen thưởng cho các nghệ nhân thực hành Mo Mường; xây dựng Khu không gian bảo tồn Di sản văn hóa Mo Mường gắn với dịch vụ du lịch...