Phát huy giá trị Áo dài trong đời sống đương đại

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/12, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát huy giá trị Áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại, xây dựng Huế trở thành Kinh đô Áo dài Việt Nam”.

Hội thảo nhận được 23 bài viết và các ý kiến đăng ký tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cùng các nhà thiết kế, doanh nhân, đại diện các đơn vị tổ chức sự kiện… liên quan đến lĩnh vực thiết kế, may đo, trình diễn, phân phối áo dài truyền thống đến từ Hà Nội, Thừa Thiên Huế và TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH&TT Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, việc phát huy giá trị áo dài và xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” là một câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống. Để đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng.

Hình ảnh Áo dài truyền thống ngày càng được sử dụng trong đời sống đương đại. Ảnh: TS Phan Thanh Hải.
Hình ảnh Áo dài truyền thống ngày càng được sử dụng trong đời sống đương đại. Ảnh: TS Phan Thanh Hải.

Theo TS Phan Thanh Hải, thời gian tới cần phát động, khuyến khích và nhân rộng phong trào mặc Áo dài trong các lễ hội, lễ nghi truyền thống… Bên cạnh đó khuyến khích cán bộ công chức, viên chức mặc áo dài truyền thống trong những ngày lễ hội văn hóa.

“Phấn đấu trên 90% cán bộ, nhân viên, người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, các điểm tham quan du lịch, danh lam thắng cảnh tại Thừa Thiên Huế mặc áo dài truyền thống” - ông Hải nói.

Những năm gần đây, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Ngày hội Áo dài Huế định kỳ hàng năm, nhằm đưa ngày hội trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế. Các chương trình lễ hội Áo dài gắn với Festival Huế và Festival nghề truyền thống bắt đầu từ năm 2000 đến nay đã tôn vinh vẻ đẹp kiêu sa, đài các của Áo dài phụ nữ Huế, áo dài Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu để đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng, qua việc sử dụng Áo dài thường xuyên… Tập trung nghiên cứu, luận giải các giá trị liên quan đến Áo dài nam nhằm tôn vinh, quảng bá đúng với nội hàm văn hóa, lịch sử đã từng có, hồi sinh quốc phục của đàn ông Việt.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa – nguyên Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế cho biết, áo ngũ thân (năm thân) có rất nhiều ý nghĩa nhân văn. Năm thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và bản thân người mặc. 5 chiếc khuy áo tượng trưng cho quan điểm “ngũ thường” trong Nho giáo, cụ thể là đại diện cho 5 đức tính: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Hay quan điểm của “Ngũ luân”, tức 5 mối quan hệ trong xã hội: Vua – tôi, cha – con, chồng - vợ, anh – em, bạn – bè.

“Mặc chiếc áo ngũ thân là mang trên mình đạo lý làm người, phải biết ơn tứ thân phụ mẫu và giữ gìn lễ nghĩa” – ông Hoa nhấn mạnh.

Về nguồn gốc của áo dài ngũ, các nhà nghiên cứu cơ bản thống nhất, chúa Nguyễn Phúc Khoát chính là người chủ trương cải cách trang phục ở Đàng Trong vào dịp chúa xưng vương hiệu (Võ vương), xây dựng đô thành Phú Xuân, tổ chức lại triều chính, chấn hưng lễ nhạc, cải tổ triều phục vào năm 1744, qua đó bộ áo dài ngũ thân đã ra đời và phổ cập rộng rãi ở Đàng Trong. Áo ngũ thân Huế, tiền thân của chiếc áo dài Việt Nam thời gian qua đang phục hồi vị thế là biểu tượng văn hóa trang phục truyền thống của người Việt.