Phát huy giá trị di sản hội diều và nghề làm diều Bá Dương Nội
Kinhtedothi - Chiều 12/4 (tức 15/3 Âm lịch), tại di tích miếu Diều, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng tổ chức lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội diều làng Bá Dương Nội, Bằng công nhận danh hiệu nghề truyền thống Hà Nội - nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà.
Tới dự có nguyên Uỷ viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương.
Về phía TP Hà Nội có Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đặng Thị Phương Hoa.
Hội diều nâng tầm di sản văn hoá
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức cho biết, làng Bá Dương Nội được biết đến là địa phương duy nhất trên cả nước có hội diều gắn liền với miếu thờ Thần Linh Châu Thổ, nâng tầm di sản văn hóa với đầy đủ niêm luật, nghi thức truyền thống vô cùng độc đáo và riêng biệt.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội diều làng Bá Dương Nội cho huyện Đan Phượng, xã Hồng Hà và Nhân dân làng Bá Dương Nội.
Bên cạnh đó, nghề làm diều sáo ở làng Bá Dương Nội đã có từ xa xưa, đến nay câu lạc bộ Diều sáo của xã được thành lập và hoạt động hiệu quả, nhiều hộ gia đình trong làng có việc làm và thu nhập ổn định từ nghề làm diều sáo.
Năm 2024, Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng được Bộ VHTT&DL quyết định ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội được UBND TP Hà Nội quyết định công nhận danh hiệu Nghề truyền thống Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà trao Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” cho chính quyền và Nhân dân địa phương.
Đây niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đan Phượng, đặc biệt là Nhân dân làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà.
Nhận thức công tác bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, nghề truyền thống Hà Nội là trách nhiệm của toàn xã hội và bảo vệ di sản văn hóa cũng là bảo vệ chính tâm hồn của người Việt Nam trong giai đoạn mới; văn hóa là hồn cốt dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương.
Chính vì vậy, huyện Đan Phượng tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, giới thiệu về quê hương, con người, các di sản văn hóa, nghề truyền thống, đặc biệt là hội diều và nghề làm diều sáo của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Địa phương chủ động vận dụng, cụ thể hóa sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của TP về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nghề truyền thống vào điều kiện, tình hình thực tiễn ở cơ sở.
Trong đó, huyện Đan Phượng định hướng đầu tư bảo tồn di tích miếu Diều và tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, để di tích trở thành tài nguyên nhân văn, có tiềm năng thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đặng Thị Phương Hoa chiêm ngưỡng diều sáo làng Bá Dương Nội.
Huyện tập trung nghiên cứu, quy hoạch không gian văn hóa, không gian thực hành, trải nghiệm di sản văn hóa Việt Nam và nghề truyền thống Hà Nội, hướng tới quy hoạch làng Bá Dương Nội có thể trở thành một trong những “không gian văn hóa sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội.
Ngoài ra, huyện xây dựng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội diều làng Bá Dương Nội trở thành di sản văn hóa tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nghề làm diều sáo truyền thống Hà Nội có sức sống trường tồn, mãnh liệt, không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà đến cả các hộ gia đình ở các vùng lân cận.
Từ đó, huyện Đan Phượng có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển văn hóa của Thủ đô, đưa Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đi vào đời sống thực tiễn của Nhân dân.
Sợi dây kết nối cộng đồng
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, làng Bá Dương Nội (Bá Giang), xưa có tên nôm là Kẻ Bá. Đầu thế kỷ thứ XIX làng Bá Giang thuộc tổng Thượng Trì, huyện Từ Liêm, thị trấn Sơn Tây; nay thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Đây vốn là vùng đất cổ bên dòng sông Nhị Hà (sông Hồng), có bãi phù sa và nhiều gò, đống, cây cối rậm rạp.

Một tiết mục văn nghệ tại lễ đón nhận.
Lễ hội thả diều ở làng Bá Dương Nội có bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Từ xa xưa, người dân làng Bá Dương Nội đều thành thạo trong việc chế tác ra những chiếc diều sáo với đủ kích cỡ. Điểm độc đáo, nổi bật (duy nhất) ở Hội diều làng Bá Dương Nội là lễ hội thi thả diều gắn với một di tích (miếu Diều) thờ Thần Linh Châu Thổ, được thực hiện đầy đủ theo nghi thức tế lễ truyền thống.

Lễ hội thả diều ở làng Bá Dương Nội có bề dày lịch sử hàng nghìn năm.
Lễ hội gồm các nghi lễ chính như: lễ phong môn giải y, dịch phục; dịch phục; tuyên sắc; tế Chính tịch; trình diều; cầu phong (cầu gió) và tiến hành thả diều. Con diều nào đạt giải Nhất sẽ được mang vào miếu tế Thần Linh Châu Thổ….

Câu lạc bộ diều sáo truyền thống tại lễ hội.
Hội thi thả diều diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14 - 16/3 (Âm lịch), trong đó, chính hội là ngày 15/3, thời điểm bắt đầu một mùa vụ gieo trồng mới của người nông dân thời xưa. Lễ hội mang ý thức cầu phong (gió) với khát vọng cầu mưa thuận gió hoà để sản xuất canh tác mong có một mùa màng tốt tươi cuộc sống no đủ.

Hội thi thả diều thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội là sợi dây kết nối cộng đồng trong các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết tương thân tương ái, giúp nhau trong cuộc sống; giữ gìn thuần phong, mỹ tục của địa phương.

Nằm trong khuôn khổ lễ đón nhận còn có các hoạt động khác như: trang trí con đường diều sáo “Hành trình kết nối”; trưng bày triển lãm diều sáo, ảnh, thơ ca, các tác phẩm nghệ thuật có nội dung về diều sáo; trưng bày giới thiệu các cây cảnh nghệ thuật; hội nghị tổng kết tu bổ, tôn tạo miếu Diều; diễu hành quảng bá diều sáo quanh huyện Đan Phượng bằng xe ô tô, xe máy; hội thi ẩm thực, hội thi giã bánh dày truyền thống; chương trình văn nghệ của các câu lạc bộ văn nghệ thôn biểu diễn; thi đấu cờ tướng; thi đấu bóng chuyền hơi mở rộng; thi diều thiếu niên…
Trích dẫn
Hiện tại làng Bá Dương Nội có 134 hộ gia đình làm diều sáo truyền thống. Làng có 3 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (loại hình Tri thức dân gian). Việc truyền dạy cách làm và chơi diều không chỉ trong làng mà còn lan tỏa đến nhiều nhóm đối tượng khác. Người làng Bá Dương Nội đã mang diều sáo truyền thống tham gia nhiều lễ hội lớn trong nước cũng như quốc tế.

Bất động sản Hà Nam như “diều gặp gió” nhờ nâng tầm hạ tầng giao thông
Kinhtedothi - Các công trình trọng điểm không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý với Thủ đô mà còn tạo động lực thúc đẩy nhiều dự án BĐS tại Hà Nam, nổi bật là đô thị nghỉ dưỡng 420ha của Sun Group tại trung tâm Phủ Lý.
Huyện Đan Phượng thi đua cao điểm phát triển công dân số “Cuộc đua luyện AI”
Kinhtedothi – Ngày 18/3, UBND huyện Đan Phượng tổ chức lễ phát động đợt thi đua cao điểm phát triển công dân số “Cuộc đua luyện AI” trên địa bàn huyện năm 2025.
-1743684360.jpg)
Hội diều làng Bá Dương Nội sắp đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Kinhtedothi – Vào ngày 12/4 tới (tức 15 tháng 3 Âm lịch), huyện Đan Phượng sẽ tổ chức Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội diều làng Bá Dương Nội và Bằng công nhận danh hiệu nghề truyền thống Hà Nội - nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà.