Hệ thống di tích, di sản văn hóa đa dạng
Từ sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đến nay, trên địa bàn huyện Đan Phượng có 5 di tích được đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp TP và cấp quốc gia đặc biệt gồm: miếu Hàm Rồng, xã Hạ Mỗ; chùa Bãi Tháp và đình Bãi Thụy, xã Đồng Tháp; đình, chùa Hoa Chử, xã Thượng Mỗ; đình Đại Phùng, xã Đan Phượng. Trong không khí hân hoan đầu năm mới, các sự kiện đón nhận Bằng xếp hạng di tích được chính quyền địa phương cùng Nhân dân tổ chức trang trọng gắn với hoạt động lễ hội rộn ràng, mang đến niềm vui, phấn khởi và tự hào cho mỗi người dân.

Trong đó, miếu Hàm Rồng thờ Lý Bát Lang, là con trai của Hậu Lý Nam Đế Lý Phật Tử và bà Lã Ngọc Thành (quê ở Chu Chàng, Quảng Oai, Sơn Tây). Đây là một chứng tích hiếm hoi còn sót lại trên khu thành cổ Ô Diên. Miếu Hàm Rồng chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học với hệ thống di vật đa dạng, phong phú về chủng loại, chất liệu. Nhiều di vật quý hiếm và có giá trị như tượng Thành hoàng niên đại nghệ thuật đầu thế kỷ XIX, hoành phi, câu đối, ỷ thờ, thống, khay đài, bát hương mang niên đại thời Nguyễn với những nét chạm khắc tinh tế, khéo léo mang giá trị nghệ thuật cao, góp phần làm giàu và phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
Chùa Hoa Chử, xã Thượng Mỗ còn bảo lưu được hệ thống tượng Phật và đồ thờ có giá trị, niên đại trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn như: 1 bia đá phong cách nghệ thuật thời Mạc; 3 bia thời Nguyễn; 1 chuông đồng thời Nguyễn; 1 khánh đá phong cách nghệ thuật thời Lê (Chính Hòa 5)... Hay đình Bãi Thụy, xã Đồng Tháp là một trong những di sản văn hóa của tổng Phùng xưa có nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử cần được bảo lưu, giữ gìn như một đóng góp có ý nghĩa vào kho tàng văn hóa dân tộc.
Chủ tịch UBND xã Đồng Tháp Bùi Lê Huy cho biết, trên địa bàn xã hiện còn bảo tồn được 10 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 4 di tích cấp TP. “Các di tích lịch sử văn hóa luôn mang thông điệp, sức sáng tạo, ý thức xã hội, đời sống tinh thần, tâm linh của thế hệ trước lưu truyền cho thế hệ sau. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích là rất quan trọng, không những giữ gìn được truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc mà còn đem lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội” – ông Bùi Lê Huy chia sẻ.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, Đan Phượng là nơi có hệ thống di tích lịch sử văn hóa đa dạng. Toàn huyện hiện có 155 di tích, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, 37 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 50 di tích xếp hạng cấp TP. Một số di tích có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn với cuộc khởi nghĩa Lý Bí và thành cổ Ô Diên (thế kỷ VI) như cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác (xã Hạ Mỗ); di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật như đình Đại Phùng, đình Đông Khê, quán Đoài Khê (xã Đan Phượng)… Đây chính là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn của Nhân dân và cán bộ huyện Đan Phượng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa ở địa phương.
Những năm qua, công tác bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị các di tích luôn được huyện Đan Phượng quan tâm. Theo đó, huyện thường xuyên chỉ đạo kiểm tra tình trạng xuống cấp của di tích để kịp thời xây dựng phương án tu bổ, tôn tạo. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện có 32 di tích được huyện đầu tư, cấp vốn thực hiện tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí hơn 451,7 tỷ đồng; 37 di tích được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng kinh phí 537,6 tỷ đồng. Công tác xã hội hóa tu bổ các di tích được đẩy mạnh ở các xã Liên Hà, Liên Trung, Trung Châu, thị trấn Phùng, Tân Lập… với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện còn quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Đến nay, huyện có 3 câu lạc bộ: hát chèo tàu (xã Tân Hội), hát ca trù (xã Thượng Mỗ), hội diều Bá Dương Nội (xã Hồng Hà) được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian. Toàn huyện cũng có 6 nghệ nhân ưu tú, 6 nghệ nhân dân gian, 2 nghệ nhân Nhân dân được công nhận…
Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa
Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, định hướng của huyện Đan Phượng là phát triển theo hướng đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến xoay quanh trục giá trị văn hóa, giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài. Đặc biệt, xác định phát triển công nghiệp văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho nền kinh tế - xã hội, những năm vừa qua, huyện Đan Phượng chú trọng phát huy thế mạnh, đánh thức tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa. Năm 2022, Huyện ủy Đan Phượng đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/HU ngày 15/7/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhằm đánh thức tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa địa phương. Đến nay, huyện đã có hai điểm được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch cấp TP là điểm du lịch xã Hạ Mỗ và điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng.
Theo TS Bùi Văn Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, trên địa bàn huyện Đan Phương đang lưu giữ nhiều di sản văn hóa với số lượng phong phú, loại hình đa dạng và rất có giá trị về lịch sử, văn hóa đối với vùng đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Tuy nhiên, làm thế nào để đưa những giá trị văn hóa đó thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế, thu hút đông đảo du khách là việc không đơn giản. Bởi hiện nay việc phát triển kinh tế trong văn hóa tại một số địa phương vẫn chưa được coi trọng, chậm đưa các hoạt động dịch vụ vào khai thác di sản văn hóa.
TS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, để Đan Phượng phát triển công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản văn hóa, cần có những cuộc điều tra, sưu tầm, nhận diện, đánh giá đầy đủ và làm rõ đặc trưng các nguồn lực di sản văn hóa của từng địa phương. Từ đó, có phương án gìn giữ, bảo tồn, khai thác có hiệu quả nguồn lực di sản văn hóa trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Cùng với đó, huyện Đan Phượng cần tập trung phát triển các sản phẩm văn hóa gắn liền với di sản, như tour du lịch đình Chèm, làng hoa Tây Tựu, hay các chương trình nghệ thuật thực cảnh thể hiện nét đặc sắc của văn hóa địa phương…
Theo lãnh đạo huyện Đan Phượng, thời gian tới huyện sẽ tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó tập trung xây dựng hồ sơ xếp hạng, nâng cấp xếp hạng các di tích có giá trị; tu bổ, tôn tạo, tu sửa cấp thiết, phục hồi di tích; tổ chức các lễ hội truyền thống của địa phương. Cùng với đó, tổ chức các hội thảo, tọa đàm phát triển định hướng quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ các di tích lịch sử; sưu tầm tài liệu quý hiếm, tư liệu phục vụ công tác bảo bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình hành động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn huyện theo phương châm "lấy người dân là trung tâm, chủ thể của các hoạt động”, "biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo sức sống mới cho di tích; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng phát triển huyện Đan Phượng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức