Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”:

Phát huy giá trị lịch sử trong giáo dục truyền thống thế hệ trẻ Thủ đô

Kinh tể & Đô thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” , Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã có bài phát biểu tham luận. Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận.

Cách đây tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng 12 năm 1972, với ý chí kiên cường, niềm tin sắt đá, nêu cao tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Thủ đô Hà Nội và một số địa phương miền Bắc đã cùng với Nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, chiến đấu quả cảm, kiên cường, không quản hy sinh gian khổ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân với quy mô lớn nhất của đế quốc Mỹ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu tham luận tại hội thảo.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu tham luận tại hội thảo.

Chiến thắng vang dội, làm nức lòng đồng bào cả nước và nhân loại tiến bộ, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, được thế giới biết đến với tên gọi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đó là chiến thắng của chính nghĩa, kết tinh của lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, là chiến thắng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, của đỉnh cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta, đã thắp sáng niềm tin cho nhân loại tiến bộ trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Hà Nội, được bạn bè quốc tế ngợi ca là: “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri ngày 27/01/1972, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc - thống nhất đất nước của Nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng có giá trị lịch sử sâu sắc, có ý nghĩa vô cùng to lớn trên nhiều phương diện: nghệ thuật quân sự, chính trị, ngoại giao; sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và của các lực lượng cách mạng, dân chủ, hòa bình và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới... Chiến thắng không chỉ khẳng định đường lối chính trị, sách lược đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, mà còn là minh chứng sống động về vai trò đi đầu của Đảng bộ Hà Nội trong công tác lãnh đạo quân dân Thủ đô chủ động, tích cực chuẩn bị đối phó mọi tình huống, thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang trên địa bàn và các tỉnh, thành bạn; nhất là tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân, góp phần quyết định đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc và Thủ đô Hà Nội.

12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quả cảm, với ý chí kiên cường và niềm tin sắt đá, quân dân Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng... và lực lượng Phòng không - Không quân đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B.52 (nhiều chiếc bị rơi tại Hà Nội), đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô chưa từng có trong lịch sử bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ; đập tan uy danh và sự kiêu hãnh của không lực Hoa Kỳ... Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị lâu dài; đặc biệt đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và tài thao lược của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng lực lượng phòng không - không quân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, bảo vệ Thủ đô, nhân tố quan trọng làm nên sức mạnh đập tan mưu đồ của đế quốc Mỹ; đúng như lời của tiên đoán từ cuối năm 1967: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B.52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Những lời tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp bộ đội tên lửa phòng không và quân dân Hà Nội sớm có quyết tâm, chủ động chuẩn bị mọi tình huống và kế hoạch tác chiến để đối phó với B.52 khi địch đánh phá Thủ đô. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quân và dân đã phát huy cao độ truyền thống toàn dân, toàn quân đánh giặc, dù ở bất kỳ vị trí nào. Sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp Nhân dân được huy động tới mức cao nhất và tổ chức hợp lý nhất trong phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu. Quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, mỗi người dân là một chiến sỹ hoạt động tích cực, hiệu quả trong thế trận chiến tranh nhân dân, Thành phố đã phát huy được sức mạnh to lớn của các giai tầng trong xã hội: công nhân, nông dân, trí thức,...(thống kê tổng số dân quân tự vệ tháng 12/1972 lên đến 54.000 chiến sỹ, với trên 500 súng trung liên, đại liên, súng máy bố trí ở 295 trận địa cả ở nội và ngoại thành, 4 trận địa pháo cao xạ, 92 trận địa pháo tầm thấp,... tạo nên “lưới lửa” phòng không nhân dân vững chắc); đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong phòng không nhân dân, trong công tác bảo vệ trị an, bảo vệ cơ sở vật chất để duy trì sản xuất, phát triển kinh tế phục vụ quốc phòng. Cùng với đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Thành ủy Hà Nội về chiến lược, nghệ thuật tiến hành chiến dịch phòng không nhân dân; sự phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân đã luôn sát cánh “chia lửa”, hiệp đồng chặt chẽ với quân dân Thủ đô đã tạo thành thế trận liên hoàn, đan xen hiểm hóc, là yếu tố quan trọng góp phần làm thất bại sức mạnh của không lực Hoa Kỳ.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để lại cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội những bài học kinh nghiệm quý, nhất về công tác lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong thời chiến trước vô vàn khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh.  Đó là:

Thành ủy Hà Nội đã chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời phát hiện âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, từ đó đề ra mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ và các chủ trương, giải pháp phù hợp để chuẩn bị các điều kiện ứng phó hiệu quả.

Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thường xuyên tập trung lãnh đạo, xây dựng các chi, Đảng bộ cơ sở phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu; chăm lo giáo dục, rèn luyện, nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ, chung sức, đồng lòng, nêu cao ý chí, bản lĩnh, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Đảng bộ Hà Nội luôn chú trọng phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vai trò làm chủ của các tầng lớp Nhân dân trong quá trình tham gia công tác chuẩn bị chiến đấu, phục vụ chiến đấu; phát huy tốt vai trò, vị thế, trách nhiệm và nội lực của Đảng bộ, nêu cao tinh thần cách mạng và ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược; luôn chủ động bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành trong cả nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân và dân Thủ đô.

Thành ủy thường xuyên chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị các địa phương, cơ quan, đơn vị chú trọng, tập trung thực hiện tốt công tác phối hợp giữa quân và dân, giữa các lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng với lực lượng vũ trang Thủ đô để chủ động trong công tác chuẩn bị các điều kiện chống địch tập kích đường không.

Các cấp ủy Đảng từ Thành phố đến cơ sở thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân, chú trong công tác giáo dục, rèn luyện thanh niên tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức cảnh giác, ý chí, quyết tâm chiến đấu bảo vệ vững chắc Thủ đô; tạo sự đồng thuận cao trong Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách gian khổ, ác liệt, dũng cảm chiến đấu. Đây chính là yếu tố then chốt giúp Đảng bộ và và Nhân dân Hà Nội đánh thắng cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ cuối tháng 12/1972.

Trong quá trình lịch sử xây dựng và phát triển 92 năm qua, Đảng bộ Hà Nội cùng với cả nước luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quan điểm chỉ đạo của Trung ương phù hợp với thực tiễn Thủ đô; lãnh đạo các tầng lớp Nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Thủ đô và đất nước; gương mẫu, đi đầu trên nhiều lĩnh vực, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên mọi mặt đời sống xã hội. Thủ đô Hà Nội với truyền thống ngàn năm văn hiến, luôn là niềm tự hào, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người ngay cả khi đương đầu và đánh bại những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất.

Trong dòng chảy lịch sử ấy, thanh niên Hà Nội vinh dự, tự hào cùng tuổi trẻ cả nước góp phần làm nên những chiến công oanh liệt trong trang sử vẻ vang đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Hà Nội là nơi sinh ra những đội Thanh niên xung phong tuyên truyền thành Hoàng Diệu, Đội danh dự Việt Minh, Đội công nhân xung phong,... đã giác ngộ và tập hợp những thanh niên với lòng yêu nước nồng nàn, một lòng đi theo Đảng; là nơi khởi nguồn của tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, phong trào “Ba sẵn sàng”, “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”, “Chiếc gậy Trường Sơn”,... thể hiện lý tưởng sống cao đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành lời hiệu triệu, tập hợp đông đảo các thế hệ thanh niên sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì nền độc lập dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã khắc ghi và tôn vinh lớp thanh niên Thủ đô năm ấy, tiêu biểu như Anh hùng liệt sỹ Vũ Xuân Thiều - người phi công dũng cảm, quyết tâm thực hiện ước mơ tiêu diệt được máy bay B.52, đã anh dũng hy sinh ở tuổi 27. Nhiều tấm gương đoàn viên thanh niên đã kế thừa truyền thống bất khuất của cha ông, nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, khát khao độc lập, tự do, luôn giữ vững niềm tin và tuyệt đối trung thành với Đảng. Các anh đã anh dũng chiến đấu, chiến thắng kẻ thù bằng tất cả trí tuệ, ý chí, niềm tin.

Những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn vẹn nguyên giá trị đối với thế hệ chúng ta hôm nay, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước và Thủ đô đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng với những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen... Đó là bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; về công tác giáo dục, rèn luyện, nâng cao nhận thức, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; về phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo của các chi, đảng bộ cơ sở; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vai trò làm chủ của Nhân dân,...; trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân, công tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của mọi cấp ủy, tổ chức đảng, cần được tiến hành thường xuyên, kiên trì và lâu dài.

Thế hệ thanh niên được sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, được học tập, làm việc trong hòa bình và được hưởng thụ nhiều điều tốt đẹp nhất, đó là thành quả cách mạng mà Đảng ta, Bác Hồ và các thế hệ đi trước đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh, gian khổ để giành được. Tuổi trẻ hôm nay không trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, không chứng kiến thời khắc hào hùng của dân tộc, của Thủ đô trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972; mà chỉ biết qua những di tích lịch sử, những trang sách, bài ca, thước phim tư liệu hay lời kể của nhân chứng lịch sử...; do đó công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ luôn là việc làm cần thiết, là biện pháp hữu hiệu nhất để khắc phục những tiêu cực, biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận thanh niên hiện nay như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “... Cũng phải nhìn thẳng sự thật mà nói, là có không ít thanh niên ngày nay có biểu hiện phai nhạt chủ nghĩa cách mạng, chạy theo lợi ích vật chất, cá nhân. Xu hướng hưởng thụ cũng xuất hiện ở một bộ phận giới trẻ...”. Trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, xu hướng toàn cầu hóa, nhiều thanh niên đã có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị, lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chạy chức quyền, chạy điểm; sống thiếu trách nhiệm, bê tha, háo danh, ích kỷ, vụ lợi, đố kị... Đáng chú ý, các thế lực thù địch, phản động hiện đang không ngừng ráo riết triệt để lợi dụng các phương tiện công nghệ thông tin, truyền thông, đặc biệt là internet, các trang mạng xã hội để xâm nhập, móc nối, tác động với mục đích làm “chuyển hóa” nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong suy nghĩ và tư tưởng, dẫn đến hành động sai trái của thanh niên. Chính vì lẽ đó, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thanh niên là một việc làm hết sức quan trọng, thông qua việc thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, nhằm nâng cao trình độ nhận thức chính trị, năng lực toàn diện, bản lĩnh vững vàng cho thế hệ trẻ trước những cám dỗ tầm thường, hay trước những luận điệu xuyên tạc, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Hôm nay, ôn lại vinh quang và niềm tự hào từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của 50 năm trước, cũng là để từ đó định rõ những công việc cần làm cho tương lai, điều đầu tiên chúng cần xác định, đó là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ Thủ đô về tinh thần yêu nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; biết ơn Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, sự hy sinh của đồng bào, chiến sỹ cả nước vì nền độc lập dân tộc...; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tự hào về “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên một cách hệ thống, có phương pháp, có tính thuyết phục cao về lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất và hào hùng của dân tộc Việt Nam, của Thủ đô trong chống giặc ngoại xâm, về truyền thống hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, tinh thần nhân ái, đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia sẻ, đùm bọc nhau lúc khó khăn, khi hoạn nạn,...

Phát huy giá trị lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Thủ đô là một công việc hết sức ý nghĩa đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thế hệ trẻ ngày nay cần được thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng nhận thức về lý luận chính trị, về lý tưởng Cộng sản, qua đó góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, vững tin vào mục tiêu, lý tưởng và sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn; định hướng cho thế hệ trẻ về lẽ sống, niềm tin, về ý thức trách nhiệm với đất nước, gia đình và xã hội, về mục tiêu lao động, học tập và cống hiến vì lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc. Thường xuyên chăm lo công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho thanh niên, nâng cao giác ngộ và nhận thức về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng về độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, cùng những thuận lợi, thách thức trong thời kỳ đổi mới, quá trình hội nhập quốc tế.

Xây dựng cho thế hệ trẻ một ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực vươn lên làm chủ trên mọi lĩnh vực đời sống, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” khẳng định: “Thanh niên là rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “... Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động, sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”. Hơn lúc nào hết, thanh niên hôm nay cần được trang bị đầy đủ hành trang về kiến thức, tinh thần cảnh giác cách mạng, bản lĩnh vững vàng, đủ sức “đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của kẻ thù, đủ năng lực ứng phó với những thách thức “an ninh phi truyền thống” đang phổ biến hiện nay. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước và Thủ đô càng phát triển và đi vào chiều sâu thì yêu cầu về giáo dục tư tưởng, đạo đức cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho thế hệ trẻ càng trở nên cấp thiết.

Thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về mức độ nguy hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; từ đó thấy được việc phòng chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cuộc đấu tranh hết sức cam go, phức tạp diễn ra ngay trong nội bộ và bản thân mỗi con người. Việc giáo dục nâng cao nhận thức phải đi đôi với khắc phục những biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác, xem nhẹ, không thể hiện rõ lập trường, quan điểm trước những hành vi tiêu cực, thờ ơ, không dám đấu tranh với chúng. Cùng với đó, đoàn viên, thanh niên cần được trang bị vũ khí lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi đoàn viên, thanh niên phải sống có mục tiêu, lý tưởng, có ước mơ, hoài bão cao đẹp, trung thực, có tinh thần cảnh giác, tuân thủ nghiêm pháp luật, xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”; ra sức đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, lối sống thực dụng, ích kỷ; chống tâm lý ngại khó, ngại khổ... Có vậy, chúng ta mới thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại”.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị  - xã hội, nhất là các tổ chức Đoàn Thanh niên cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục, phổ biến cho thế hệ trẻ hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về cách thức hoạt động và nội dung chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là trên mạng xã hội; chủ động định hướng, cung cấp thông tin kịp thời; từ đó chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhân rộng điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt, việc tốt, tập thể tốt; đồng thời, có những bài viết sắc sảo, ý thức chính trị cao nhằm phê phán, lên án những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội và những biểu hiện của sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; giáo dục và đẩy mạnh phê bình và tự phê bình trong đoàn viên, thanh niên, từ đó rèn luyện tinh thần xây dựng, ý thức tự giác, trung thực, dẫn dắt đoàn viên, thanh niên đến với những giá trị tốt đẹp của người cách mạng chân chính.

Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, đầy đủ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong đoàn viên, thanh niên là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cần thiết. Đặc biệt, cần phải gắn việc thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương với tích cực triển khai Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 01-CT/TWĐTN ngày 17/5/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn”; tăng cường thông tin, tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên về những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; đồng thời giáo dục cho thanh niên nhận thức rõ những hạn chế, bất cập không thể tránh khỏi trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội thời kỳ quá độ, thực hiện cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế. Không ngừng nâng cao công tác bồi dưỡng, khuyến khích và xây dựng đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Tích cực nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay; kịp thời tuyên dương những gương “người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến gắn với tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”; lấy đó làm động lực và khuyến khích sự cố gắng, nỗ lực trong đoàn viên, thanh niên; kịp thời phát hiện, biểu dương và bồi dưỡng những đoàn viên, thanh niên có năng lực tổ chức lãnh đạo, quản lý và thực tiễn giỏi. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ, hướng nghiệp để mỗi đoàn viên, thanh niên được cống hiến, phát huy sức trẻ; năng động, sáng tạo vững vàng trong cuộc sống, đáp ứng đòi hỏi của đất nước và thời đại mới. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, thanh niên; quan tâm, hỗ trợ thanh niên khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi căn cứ địa cách mạng trước đây và các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Kỳ tích 12 ngày đêm chiến đấu trong những ngày cuối tháng 12 năm 1972 không chỉ đọng lại trong ký ức của người Hà Nội hôm nay, là kỷ niệm vô giá của thế hệ quân và dân Thủ đô năm xưa mà còn đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam như thiên hùng ca bất tử; mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời về ý chí quật cường, lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, kết tinh thành giá trị tinh thần vô giá cho thế hệ trẻ hôm nay. Kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là dịp để thế hệ trẻ Thủ đô ôn lại truyền thống hào hùng, chiến công oanh liệt của cha anh; trân trọng biết ơn, tôn vinh sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ đi trước, cùng những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, của các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng. Phát huy truyền thống là nơi khởi nguồn các phong trào hành động cách mạng của cả nước, là đơn vị đầu tiên của tổ chức Đoàn cấp tỉnh trong toàn quốc vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội cần kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Thủ đô, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, tiềm năng của đoàn viên, thanh niên; cùng với cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ noi gương các thế hệ đi trước, rèn đức, luyện tài, phấn đấu hết mình, góp sức xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; “xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại”, mãi xứng đáng với truyền thống “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến”, với danh hiệu cao quý “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; để thế hệ trẻ hôm nay xứng đáng là chủ nhân tương lai của Thủ đô và đất nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần