Phát huy giá trị, nâng tầm di sản văn hóa
Kinhtedothi - Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; nhiều khu vực, di tích, di sản, công trình được tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa... là những vấn đề được quy định rõ trong Luật Thủ đô 2024.
Căn cứ quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7, với nhiều chính sách, quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2025, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển mạnh mẽ và đột phá, trong đó có lĩnh vực văn hóa.
Du khách tham quan Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Văn Phúc
Theo đó, tại Điều 21 về “Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch” của Luật Thủ đô 2024 nêu rõ, các khu vực, di tích, di sản, công trình được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa gồm: khu vực Ba Đình; di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh; di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cùng với đó là các di sản văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới...
Ngoài ra còn có khu di tích Cổ Loa và các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn TP; di tích cấp TP; di sản văn hóa trong danh mục được kiểm kê; khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu vực Hồ Tây...
Có thể nói, việc quy định các khu vực, di tích, di sản để tập trung nguồn lực bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa tại Luật Thủ đô là căn cứ quan trọng phục vụ quản lý, khai thác hiệu quả di sản đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Thời gian qua, nhiều di tích của Hà Nội cũng được quan tâm đầu tư, phát huy giá trị, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Đơn cử, di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa và di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, với những nỗ lực trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, hai khu di sản đã dần trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa hấp dẫn của Nhân dân Thủ đô cũng như cả nước. “Đó là minh chứng cho sự trân trọng và ứng xử nghiêm túc đối với di sản, không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn nguyên vẹn hệ thống di tích, di vật mà đối với môi trường cảnh quan di sản cũng được bảo tồn, phát huy, xây dựng và kiến tạo không gian cảnh quan di sản xanh phục vụ khách tham quan” - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Hồng Chi chia sẻ.
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội lưu giữ nhiều loại hình di tích, di vật phong phú, đa dạng, hấp dẫn, bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể, phần lớn di tích chưa được phát lộ, còn nằm ẩn sâu trong lòng đất. Dấu ấn đặc biệt của khu di sản chính là các di tích khảo cổ độc đáo với hàng nghìn di vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học to lớn, mở ra những hiểu biết về lịch sử lâu dài của Thăng Long - Hà Nội.
Theo bà Nguyễn Hồng Chi, bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng xác thực, duy nhất về nền văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt, về nghệ thuật kiến trúc - mỹ thuật, bố cục tổng mặt bằng quy hoạch xây dựng...
Đặc biệt, tháng 12/2024, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã tiếp nhận cơ sở nhà đất, đất tại số 28A Điện Biên Phủ (đất có diện tích 13.800m2, nhà, cột cờ kỳ đài…) từ Bảo tàng Lịch sử quân sử Việt Nam (Bộ Quốc phòng), nhất thể hóa được di tích. Qua đó thực hiện cam kết với Ủy ban Di sản thế giới UNESCO khi Hoàng thành Thăng Long được ghi danh vào danh mục là di sản văn hóa thế giới năm 2010. Được biết, về lâu dài, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ thực hiện tour tham quan theo đúng diện tích của Hoàng thành Thăng Long từ Cột cờ Hà Nội đến Đoan Môn, khu vực thềm rồng Điện Kính Thiên và các công trình kiến trúc, giá trị lịch sử của Hoàng thành Thăng Long.
Nguồn lực phát triển bền vững Thủ đô
Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội là không gian lịch sử - văn hóa có lịch sử lâu đời và tập trung cao nhất của toàn bộ tiến trình lịch sử đất nước; tạo lập một hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng với những giá trị mang tính hội tụ, chắt lọc, kết tinh tiêu biểu và tỏa sáng của lịch sử văn hóa dân tộc.
“Di sản văn hóa của Hà Nội tập trung rất cao ở các vùng kinh đô, đô thành, đô thị, trải dọc theo hai bờ sông Hồng, phản ánh đặc trưng và bản sắc văn hóa sông nước có cội nguồn từ văn minh sông Hồng và được duy trì mãi về sau. Trên khắp đất nước Việt Nam, không có địa phương nào hội được số lượng rất lớn với các di sản văn hóa tiêu biểu như ở Hà Nội. Đây là nguồn tài nguyên đặc biệt quý giá, là nguồn lực hàng đầu cho Hà Nội khai thác xây dựng và phát triển bền vững Thủ đô” - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám - điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Văn Phúc
TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội cũng nhìn nhận, những năm qua, TP Hà Nội luôn nhận thức đúng tầm và quan tâm đến công tác văn hóa. Vị trí, vai trò của văn hóa và văn hóa Thủ đô Hà Nội luôn được đề cao, nhất là vị trí trung tâm, vai trò đi đầu, “gương mẫu” của văn hóa Thủ đô Hà Nội được nhấn mạnh.
Cụ thể, về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, TP đã đầu tư trùng tu, chống xuống cấp hàng trăm di sản vật thể là đình, chùa, đền, miếu… trong đó có những ngôi chùa cổ kính như chùa Một Cột, chùa Liên Phái, chùa Kim Liên, chùa Vua, đình Tây Đằng, đình Bạch Trữ… nhất là Văn Miếu - Quốc Tử Giám với việc xây dựng mới khu Thái học trên cơ sở nhận thức mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhiều năm nay, sau khi xây khu Thái học, khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa trong đời sống đương đại, không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân mà còn minh chứng sinh động cho nhận thức “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Mỗi năm Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu nộp ngân sách vài chục tỷ đồng, là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại…
Hay phố đi bộ và những trải nghiệm đêm Hà Nội đã làm cho Hà Nội sinh động và phong phú. Hà Nội không chỉ có “ăn tối rối nước” mà còn nhiều hơn thế. Chủ trương này được cộng đồng nhiệt liệt hưởng ứng minh chứng cho sự đổi mới đúng đắn, hiệu quả về nhận thức và hành động của văn hóa Thủ đô Hà Nội.
“Thời gian tới, TP cần tiếp tục triển khai sâu sắc hơn, hiệu quả thực chất hơn chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, thích ứng tốt nhất cho kỷ nguyên số, kỷ nguyên sáng tạo. Đồng thời triển khai có hiệu quả chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, trong đó có việc cụ thể như xây dựng đền thờ Đức Vương Ngô Quyền ở Cổ Loa, Điện Kính Thiên trong Hoàng thành – Thăng Long; triển khai mạnh mẽ và cụ thể hiệu quả hơn chương trình phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt khai thác tốt nhất những điều khoản đặc thù trong Luật Thủ đô nhằm giữ gìn và phát huy cao độ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến trong thời kỳ mới” – TS Nguyễn Viết Chức đề nghị.
Trích dẫn
Ngày 17/3/2025, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1559/QĐ-UBND về việc phê duyệt bổ sung danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn TP Hà Nội từ ngày 31/12/2015 - 31/1/2025. Quyết định phê duyệt bổ sung danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn từ ngày 31/12/2015 - 31/1/2025 với 567 di tích, bổ sung vào danh mục 5.922 di tích đã được UBND TP phê duyệt và công bố theo Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14/10/2016. Sau khi bổ sung, tổng số di tích trên địa bàn TP Hà Nội là 6.489 di tích.

Công bố lễ hội làng Bát Tràng là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Kinhtedothi-Tối 12/3, tại đình làng Bát Tràng, xã Bát Tràng, UBND huyện Gia Lâm đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định công nhận lễ hội làng Bát Tràng là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc lễ hội truyền thống làng Bát Tràng năm 2025.

Hỗ trợ bảo vệ di sản văn hóa cộng đồng
Kinhtedothi - Ngày 16/3, Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (CCH) tổ chức tập huấn chương trình hỗ trợ bảo vệ di sản văn hóa cộng đồng.

Giữ lửa di sản văn hóa ẩm thực truyền thống
Kinhtedothi - Nhằm tôn vinh chủ thể và lan tỏa giá trị di sản ẩm thực của quận Hoàn Kiếm, ngày 30/3, UBND quận phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa tổ chức tọa đàm "Di sản ẩm thực Hoàn Kiếm - Chuyện người giữ lửa".