Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Hiền Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội, đến 31/12/2020, tổng dư nợ ủy thác của ngân hàng qua các Hội đoàn thể (gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên TP) đạt 10.155 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ.

Dư nợ ủy thác tăng 1.767 tỷ đồng so với đầu năm, với hơn 245 ngàn hộ còn dư nợ tại 7.118 Tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV), dư nợ bình quân đạt 41 triệu đồng/hộ. Thông qua 16 chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho trên 114 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Hà Nội được vay vốn tại NHCSXH. Trong đó: có gần 13 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gần 74 ngàn lượt khách hàng vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL), góp phần thu hút trên 76 ngàn lao động; cho vay xây dựng mới và cải tạo trên 53 ngàn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ vốn trang trải chi phí học tập cho trên 400 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…

 

Các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, đặc biệt, đã hỗ trợ kịp thời các hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn khắc phục ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch Covid-19, duy trì và khôi phục chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh.

Tăng trưởng dư nợ nhưng chất lượng tín dụng ủy thác luôn được NHCSXH và các hội đoàn thể quan tâm, củng cố và nâng cao. Nợ quá hạn ủy thác qua hội đoàn thể đến 31/12/2020 là 1.840 triệu đồng, giảm 482 triệu đồng so với đầu năm, chiếm 0,02% tổng dư nợ ủy thác. Kết quả xếp loại Tổ TK&VV cuối năm 2020 đã được nâng cao hơn so với năm 2019.

Trong năm 2020, NHCSXH đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể các cấp triển khai công tác phòng, chống dịch tại trụ sở cũng như tại các điểm giao dịch như đề nghị khách hàng tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn khi đến làm việc tại trụ sở và tại các điểm giao dịch…; tăng cường cán bộ hỗ trợ tại các điểm giao dịch để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo tiến độ giao dịch phục vụ khách hàng thông suốt, hiệu quả. Phương thức ủy thác cho vay đã huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào việc triển khai tín dụng chính sách xã hội, chuyển tải có hiệu quả vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội...

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, chi nhánh NHCSXH và các hội đoàn thể tiếp tục  tăng cường  công tác phối hợp; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ Hội đoàn thể nhận ủy thác trong việc theo dõi, quản lý, đôn đốc, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV; đồng thời tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra giám sát của Hội đoàn thể các cấp đối với việc thực hiện tại cơ sở; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, tồn tại để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, vận động người nghèo và các đối tượng chính sách khác tham gia gửi tiết kiệm qua tổ, tạo ý thức tiết kiệm và nguồn tích lũy để trả nợ khi đến hạn...  để nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, an toàn và sử dụng có hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần