Phát huy lợi thế Năm du lịch Quốc gia Thanh Hóa 2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm du lịch Quốc gia Thanh Hóa 2015 được kỳ vọng sẽ tạo nền móng vững chắc để mang lại diện mạo mới, bước phát triển mới cho du lịch nói riêng và kinh tế-xã hội của xứ Thanh nói chung.

Vừa qua, tại thành phố Thanh Hóa, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ TTTT, Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng cục Du lịch và UBND các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình tổ chức tọa đàm về công tác tuyên truyền, quảng bá về Năm du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa và Di sản thế giới Tràng An-Ninh Bình.

Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Đoàn famtrip khảo sát du lịch Ninh Bình, Thanh Hóa do Tổng Cục du lịch tổ chức từ 31/7-2/8.

Trước đó, Đoàn đã đi khảo sát các sản phẩm tuyến điểm du lịch của 2 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa như Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Lam Kinh, Thành nhà Hồ… là những di sản văn hóa, đồng thời là những điểm đến hấp dẫn nhất để xây dựng sản phẩm thu hút khách du lịch.

 
Đoàn famtrip khảo sát tại đàn tế Nam Giao Thành nhà Hồ. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà
Đoàn famtrip khảo sát tại đàn tế Nam Giao Thành nhà Hồ. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà
Cơ hội phát triển du lịch

Thanh Hóa là một tỉnh có nhiều tiềm năng đế phát triển du lịch. Tài nguyên du lịch của Thanh Hóa rất phong phú và đa dạng, từ du lịch tâm linh (Lam Kinh, Đền thờ vua Lê, Di sản thế giới Thành nhà Hồ) đến du lịch nghỉ dưỡng (bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến)…

Ngoài ra, với một loạt các điểm đến hấp dẫn dọc sông Mã, tỉnh cũng dự định phát triển tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã”, du lịch làng nghề, homestay…

Đối với tỉnh Thanh Hóa, năm 2015 là năm đặc biệt quan trọng đối với hoạt động du lịch. Để chuẩn bị cho Năm du lịch Quốc gia 2015 với chủ đề "Kết nối các di sản thế giới", tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp, lập kế hoạch triển khai nhiều hoạt động mang tính chất điểm nhấn.

Trong đó, trọng tâm gồm 6 sự kiện do các Bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức và 5 sự kiện do tỉnh Thanh Hóa chủ trì tổ chức bao gồm: Sự kiện khai mạc Năm du lịch Quốc gia 2015, dự kiến vào tháng 3/2015 gắn với liên hoan Di sản thế giới; Lễ kỷ niệm 50 năm Hàm Rồng chiến thắng; tổ chức trại điêu khắc đá quốc tế trên nền nguyên liệu đá xanh của Thanh Hóa; Tuần lễ du lịch biển Thanh Hóa với các bãi biển nổi tiếng Sầm Sơn, Hải Tiến...

Tỉnh tập trung cao độ, chuẩn bị mọi phương án về nhân lực, vật lực, thực hiện các dự án lớn như dự án bảo tồn và phỏng dựng Chính điện Lam Kinh, công trình nhà hát Lam Sơn, Trung tâm triển lãm-hội chợ-quảng cáo tỉnh; dự án đầu tư xây dựng Đền thờ các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ Hàm Rồng và nhiều công trình thiết yếu phục vụ du lịch khác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt cho biết, tỉnh đã đẩy nhanh công tác quy hoạch để làm tiền đề cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ các khu, điểm du lịch; tập trung ưu tiên đầu tư các hạng mục trực tiếp phục vụ du lịch như hệ thống điện nước, đường nội bộ khu đón tiếp, nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe, hệ thống nước thải, tại các khu du lịch. Triển khai chương trình phát triển sản phẩm du lịch theo hướng nâng cao chất lượng.

Năm 2014, Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 4,45 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng. Phấn đấu năm 2015, tỉnh đón 5,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng.

Ông Vương Văn Việt nhận định, việc tổ chức Năm du lịch Quốc gia là “cơ hội vàng” để quảng bá điểm đến du lịch của tỉnh, thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ.

Đồng thời, với chủ đề “Kết nối các miền di sản”, Năm du lịch Quốc gia 2015 sẽ là dịp để kết nối Thanh Hóa với các địa phương cùng có di sản, qua đó hình thanh tuyến đường di sản, tạo nền tảng cho việc xây dựng các tour tuyến du lịch dài hơi về du lịch tâm linh.

Làm du lịch, tiềm năng thôi chưa đủ

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã dành nhiều thời gian phân tích, thảo luận, kiến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, các địa điểm du lịch hấp dẫn của 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình.

Đồng thời, chỉ ra những tồn tại, yếu kém trong công tác tổ chức du lịch tại các địa phương, cũng như các giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch ngày một tốt hơn.

Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Duy Truyền cho rằng, khẩu hiệu "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" cần được triển khai và thực hiện triệt để, nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, du lịch của đất nước.

Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội Nguyễn Thanh Phong cho rằng, cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa cơ chế quản lý và phải đẩy mạnh, triển khai có hiệu quả công tác xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch. Riêng điểm này, tỉnh Thanh Hóa cần trao đổi và học theo cách làm sáng tạo của tỉnh Ninh Bình, đơn cử như việc đưa Tràng An trở thành Di sản Thế giới.

Còn theo Phó Trưởng Ban quản lý khu du lịch Tràng An Bùi Văn Mạnh, để thực sự kết nối các di sản của 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, cần phải có hệ thống giao thông kết nối các địa điểm du lịch của Thanh Hóa với Ninh Bình cũng như các địa phương khác.

Trước mắt cần nâng cấp các quốc lộ, tỉnh lộ kết nối các điểm du lịch Tràng An-Ninh Bình với Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, khu du lịch biển Sầm Sơn của tỉnh Thanh Hóa.

Đánh giá cao tiềm năng du lịch đa dạng của Thanh Hóa, song Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cũng cho rằng, không phải địa phương nào có tiềm năng du lịch phong phú đa dạng như Thanh Hóa. Song điều quan trọng nhất để phát triển du lịch Thanh Hóa mạnh mẽ nằm ở chất lượng du lịch theo chiều sâu.

“Chúng ta cần xem xét lại các sản phẩm du lịch đã thực sự đồng bộ, đã mang lại sự trải nghiệm tốt cho du khách hay chưa. Và để có những sản phẩm du lịch tốt, quan trọng hang đầu là phải quản lý điểm đến”. Bởi theo ông Tuấn: “Một điểm đến không chỉ có tài nguyên du lịch, mà còn phải có hạ tầng phát triển, dịch vụ phụ trợ, cơ sở lưu trú đạt chuẩn, trung tâm cung cấp thông tin du lịch, hướng dẫn viên, trạm kết nối các dịch vụ. Chính những điều này sẽ quyết định sự hấp dẫn của điểm đến. Và Thanh Hóa cần đặc biệt quan tâm tới những yếu tố này”.

Kết luận buổi tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, thời gian tới, 2 địa phương cần liên kết, kết nối nhiều hơn nữa để phát triển du lịch. Trong đó, nhấn mạnh đến kết nối các di tích, di sản; kết nối giữa các ngành, các địa phương; kết nối giữa cư dân các điểm du lịch với du khách; kết nối giữa các hoạt động quản lý, khai thác văn hóa, du lịch với kinh tế.