Phát huy những giá trị đặc biệt của các di tích thời Trần

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Những giá trị đặc biệt của các di tích lịch sử văn hóa thời Trần trên vùng đất Long Hưng xưa-Hưng Hà (nay), tỉnh Thái Bình,” tổ chức ngày 17/12, tỉnh Thái Bình.

Hội thảo là dịp để mọi người hiểu hơn về các giá trị di tích lịch sử-văn hóa thời Trần trên vùng đất Long Hưng xưa - Hưng Hà (nay) của tỉnh Thái Bình; qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch, văn hóa, lịch sử, làng nghề trên đất Hưng Hà nói riêng, cũng như quê hương Thái Bình nói chung.
Dâng hương tại Lễ Bái Yết các vua Trần ở Thái Bình năm 2013.
Dâng hương tại Lễ Bái yết các vua Trần ở Thái Bình năm 2013.
Hưng Hà là vùng đất cổ xưa nhất của tỉnh Thái Bình. Từ đầu thế kỷ 13, mảnh đất Long Hưng xưa đã được dòng họ Trần chọn là nơi dựng nghiệp để rồi phát triển thành một Vương triều cường thịnh, với hào khí Đông A lẫy lừng, võ công oanh liệt bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh suốt chiều dài lịch sử 175 năm tồn tại và phát triển của thời nhà Trần (từ năm 1225 đến năm 1400), mảnh đất Long Hưng-Hưng Hà không chỉ gắn liền với những sự kiện về quân sự, chiến tranh giữ nước mà còn chứng kiến sự phát triển thịnh vượng của triều Trần về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Mỗi con sông, mỗi cánh đồng, mỗi thôn, làng trên mảnh đất Long Hưng-Hưng Hà đều mang đậm nét những dấu tích anh linh của triều đại nhà Trần với những chiến công oanh liệt.

Cho đến ngày nay, đã qua gần 800 năm, vùng đất Long Hưng-Hưng Hà vẫn lưu giữ được nhiều di sản rất quý, với sự hiện diện dày đặc của 27 di tích lịch sử trải rộng ở 15/35 xã, thị trấn của huyện, trong đó có năm điểm di tích được xếp hạng di tích Quốc gia. Đặc biệt, các khu di tích có giá trị quý như Khu di tích khảo cổ Trần Đế Miếu; đình, đền thờ và lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ; đền thờ và lăng mộ Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.

Cùng với sự hiện diện của các di sản vật thể là sự bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị di sản phi vật thể quý báu như lễ thi cỗ cá; lễ rước nước ở xã Tiến Đức; lễ giao chạ (kết nghĩa chị em) giữa hai làng Tam Đường (xã Tiến Đức) với làng Vân Đài (xã Chí Hòa); lễ hội đền Trần khai mạc vào ngày 13/1 (Âm lịch) hàng năm, đây là một ngày lễ trọng đại và là dịp để các tầng lớp nhân dân Thái Bình, đồng bào, du khách thập phương trong và ngoài nước về đây tưởng niệm, tri ân các vua Trần và các danh thần nhà Trần.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử đều đánh giá cao những giá trị của các di sản văn hóa, lịch sử liên quan đến nhà Trần trên địa bàn huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), nhất là những giá trị liên quan đến di tích khảo cổ Trần triều Đế Miếu (Lăng mộ và đền thờ các vua Trần); các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong lễ hội đền Trần và lễ hội ở các làng quê có liên quan đến văn hóa thời Trần trên đất Hưng Hà để khẳng định vùng đất Long Hưng xưa-Hưng Hà nay là nơi phát tích, khởi nghiệp Vương của Vương triều Trần trên đất Đại Việt vào thế kỷ 13-14.

Các đại biểu dự hội thảo cũng trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu cách quản lý các di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa thời Trần ở các địa phương khác trong cả nước.

Các nhà nghiên cứu cũng đã đề xuất và đưa ra các khuyến nghị để bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn huyện Hưng Hà, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội tại địa phương, xây dựng quy hoạch bền vững lâu dài, nhằm phát huy tốt vai trò và giá trị của di sản này, tiến tới lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận Di sản văn hóa thời Trần trên vùng đất Hưng Hà-Thái Bình là di sản văn hóa quốc gia đặc biệt.