[Phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa] Bài 2: Giáo dục văn hóa cho giới trẻ - nhiệm vụ mang tầm chiến lược

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập với nhiều cơ hội phát triển và không ít thách thức, việc duy trì, phát huy, giáo dục các yếu tố văn hóa đối với giới trẻ có ý nghĩa quan trọng.

Một bộ phận thanh niên đã tiên phong, bằng tình yêu, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đã tổ chức nhiều hoạt động, việc làm ý nghĩa nhằm khơi dậy sức mạnh văn hóa.
Mạch ngầm văn hóa trong giới trẻ

Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, mục tiêu động lực của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII năm 2021 của Đảng đã xác định: “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.
Những chiếc áo dài truyền thống được Nguyễn Đức Lộc - chàng trai thế hệ 9x sản xuất và giới thiệu tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội) năm 2018.
Phát triển toàn diện đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

Để làm được điều đó, không chỉ đòi hỏi các bạn trẻ phải năng động, sáng tạo, biết nắm bắt du nhập một cách có chọn lọc mà còn đặt ra vấn đề giáo dục văn hóa truyền thống, hòa nhập nhưng không hòa tan. Đó là thách thức đầy khó khăn bởi bên cạnh những cá nhân, tập thể tích cực cùng tồn tại không ít những thanh niên sống thiếu lý tưởng, không có mục đích rõ ràng, du nhập văn hóa một cách tràn lan, máy móc, cả những nền văn hóa vốn không mang nhiều giá trị nhân văn thẩm mĩ chỉ để thỏa mãn nhịp sống gấp. Đó là bộ phận biểu hiện lối sống ngoại lai mất gốc, xa rời văn hóa truyền thống dân tộc, hòa tan một cách hoàn toàn trong dòng lũ hội nhập mà tự đánh mất chính mình.

Trong bối cảnh đó, nhiều hoạt động sáng tạo, góp phần xây dựng cho thanh niên ý thức tự rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng sống, phát huy những giá trị văn hóa cốt lõi như sự yêu thương, đùm bọc, lá lành đùm lá rách đã được đầu tư xây dựng, tổ chức. Đơn cử tại Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội đã cho ra đời nhiều mô hình, CLB, phong trào, hoạt động gắn với nội dung giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, thu hút đông thanh niên tham gia như: Chương trình sinh hoạt truyền thống chào mừng 90 năm ngày thành lập Đảng đồng loạt tại 5 “địa chỉ đỏ” gồm 5D Hàm Long, 48 Hàng Ngang, Nhà lưu niệm 90 Thợ Nhuộm, Nhà tù Hỏa Lò (Hoàn Kiếm) và Nhà thờ Bác Hồ (Hà Đông).
Bên cạnh đó, cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu lịch sử 90 năm Đảng bộ TP và truyền thống lịch sử, văn hóa của Thủ đô Hà Nội” đã tạo sức lan tỏa, thu hút 471.150 lượt thi của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn TP đến từ nhiều lĩnh vực, đối tượng như: Học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nhân viên, công nhân lao động trong các DN và ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đồng thời, chương trình tiếp lửa truyền thống, phong trào thanh niên tình nguyện và nay là phong trào “Xung kích phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô”, “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Tôi yêu Hà Nội” đã gặt hái được những thắng lợi to lớn, đóng góp xứng đáng vào công cuộc bảo vệ Thủ đô và đất nước.

Thắng lợi ấy có thể kể đến bằng ý nghĩa nhân văn, sức lan tỏa rộng rãi trong từng hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của Đoàn Thanh niên TP như: Uống nước nhớ nguồn - Đền ơn đáp nghĩa; Chiến dịch tình nguyện mùa Hè xanh; Các đội hình tình nguyện tuyên truyền văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội; Đội phản ứng nhanh về giao thông; Đội hình 3+; Ngày thứ Bảy tình nguyện; Ngày Chủ nhật xanh; Khăn hồng tình nguyện; Chiến dịch Kỳ nghỉ hồng; Hành quân xanh; Hoạt động tình nguyện quốc tế “Chung sức trẻ xây đắp tình hữu nghị” tại nước bạn Lào.

Ngoài ra, thông qua sách báo và các loại hình nghệ thuật, giáo dục giá trị thẩm mĩ còn hướng con người vươn tới cái đẹp, tự nó sẽ tạo ra cơ chế phản ứng lại những phản giá trị trong văn hóa. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng dành trọn thời gian để học hát xẩm, hát xoan, hát ca trù… Có những bạn trẻ vẫn hàng ngày mặc trên mình bộ áo dài đậm chất truyền thống, luôn “tôn sư trọng đạo”, sống hết mình vì cộng đồng. Không những thế, giới trẻ còn đang đưa nền văn hóa Việt Nam vươn ra thế giới thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa tại các trường đại học có du học sinh quốc tế. Tổ chức các tuần lễ văn hóa Việt tại nước ngoài, đưa những món ăn truyền thống, nét văn hóa trong cách ăn mặc của người Việt đến với bạn trẻ thế giới.

Biến văn hóa thành lợi thế cạnh tranh quốc tế

Những năm gần đây, văn hóa truyền thống ngày càng được nhiều bạn trẻ quan tâm, yêu thích. Có những em nhỏ sẵn sàng dành trọn thời gian để học hát xẩm, hát xoan, hát ca trù… Có những bạn trẻ vẫn hằng ngày mặc trên mình bộ áo dài đậm chất truyền thống, luôn “tôn sư trọng đạo”, sống hết mình vì cộng đồng. Không những thế, giới trẻ còn đang đưa nền văn hóa Việt Nam đến với người nước ngoài thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa tại các trường đại học có du học sinh quốc tế. Tổ chức các tuần lễ văn hóa Việt tại nước ngoài, đưa những món ăn truyền thống, nét văn hóa trong cách ăn mặc của người Việt đến với bạn trẻ thế giới.

Đơn cử, ngay tại Hà Nội, CLB Hanoi Kids, thành lập từ năm 2006, tập hợp những bạn trẻ tình nguyện dẫn tour miễn phí cho khách nước ngoài. Qua việc dẫn khách quốc tế, giới trẻ không chỉ được trao đổi, học hỏi vốn ngôn ngữ đa dạng mà còn có cơ hội tôn vinh văn hóa Việt, đưa những giá trị truyền thống Việt đến gần hơn với du khách quốc tế.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội: Một trong những điều quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển đất nước đi tới phồn vinh là phải khơi dậy khát vọng của dân tộc, đặc biệt là với giới trẻ như tinh thần Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã chỉ ra. Giáo dục văn hóa, lịch sử cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên cần được coi như là một nhiệm vụ mang tầm chiến lược.

Khát vọng sẽ dẫn tới tự tin và có thể biến tất cả những gì mình có thành lợi thế trong quá trình cạnh tranh quốc tế. Trong thời kỳ hiện nay, văn hóa không chỉ là tài sản để chúng ta cất giữ, để chúng ta nâng niu, để chúng ta tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế.

(Còn nữa)

"Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, trong lời phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành Văn hóa và thông tin. Người nêu nhiệm vụ của văn hóa mới: Phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Người kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam “hãy đặc biệt chú ý đến nhi đồng”.

Cần phải có một truyền thống văn hóa vững mạnh và bản lĩnh, có sức đề kháng cao, mới có thể định hướng cho các thành viên xã hội (nhất là giới trẻ) chọn lọc tiếp thu những giá trị văn hóa đích thực, chứ không phải là dễ dãi tiếp nhận bất cứ cái gì mới lạ và để chúng lấn át văn hóa bản địa." - PGS TS Đinh Thị Vân Chi - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần