Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung phát triển 4 vùng động lực quốc gia và các hành lang kinh tế, trong đó có Vùng động lực phía Bắc (gồm tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).
Đây là bước ngoặt lớn, là hành lang pháp lý quan trọng, mở ra cơ hội mới, động lực mới cho các địa phương trong vùng chủ động khai thác lợi thế, phát huy triệt để nội lực tiếp tục bút phá mạnh mẽ. Thực tế cho thấy, mỗi vùng động lực đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước rất cần thiết phải có các cơ chế, chính sách phát triển cụ thể, phù hợp với từng vùng.
Diễn đàn là sự kiện nhằm kịp thời tuyền truyền các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi, tiếp nhận ý kiến của nhà đầu tư, các chuyên gia và nhà khoa học tham gia đóng góp vào xây dựng, hoàn thiện cơ chế, đặc biệt là huy động các nguồn lực đưa Vùng động lực phía Bắc tiếp tục đổi mới, sáng tạo, bứt phá.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam nhấn mạnh, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với 3 hạt nhân là TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Quảng Ninh - là vùng chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. Phát huy tiềm năng, lợi thế, trong những năm qua, các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển. Nhờ đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng tăng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Vùng đạt 9,08%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm. Thu ngân sách nhà nước của các địa phương trong Vùng đều đạt và vượt dự toán.
“Tôi tin tưởng Diễn đàn sẽ là cầu nối ý nghĩa giữa cộng đồng doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, các nhà đầu tư cùng bàn bạc, trao đỏi góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, giúp Vùng tiếp tục khai thác lợi thế, phát huy triệt để nội lực bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới”, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam thông tin thêm.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, với vai trò là 1 cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc, trong thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã nỗ lực, không ngừng phát triển và đạt được một số kết quả nổi bật. Quy mô nền kinh tế của thành phố không ngừng được mở rộng, luôn duy trì vị trí thứ hai trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của thành phố luôn đạt ở mức cao, giai đoạn 2005 - 2019 bình quân tăng 10,8%/năm, gấp 1,6 lần bình quân chung cả nước. Năm 2022, tăng trưởng GRDP thành phố đạt 12,32%, gấp 1,5 lần bình quân chung của cả nước, là năm thứ 7 liên tiếp Hải Phòng đạt mức tăng trưởng 2 con số…
“Bên cạnh những kết quả đã đạt được, có thể thấy, quá trình phát triển của TP Hải Phòng nói riêng và Vùng động lực phía Bắc còn một số tồn tại, hạn chế. Tại diễn đàn này, hy vọng những thách thức, những vấn đề nêu trên sẽ phần nào được giải đáp thông qua sự chia sẻ kinh nghiệm từ các lãnh đạo, các nhà quản lý, tham luận của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế”, ông Nguyễn Đức Thọ cho hay.
Tại Diễn đàn nhiều nội dung đã được các diễn giả, chuyên gia và đại biểu tham dự thảo luận sôi nổi như: Thời cơ và thách thức Vùng động lực phía Bắc; động lực mới cho quá trình đổi mới sáng tạo, phát triển Vùng động lực phía Bắc; các giải pháp huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội Vùng; Hoàn thiện thể chế để Vùng đổi mới, bứt phá. Các nội dung được thảo luận, phân tích tại Diễn đàn đều là những ý kiến, đề xuất mang tính xây dựng, cung cấp nhiều góc nhìn, kiến nghị của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp... gửi tới các cơ quan quản lý nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy hoạch, đưa Vùng động lực phía Bắc tiếp tục đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước..