Phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2025.
Theo đó, kế hoạch thúc đẩy hoạt động sáng tạo, xây dựng các không gian sáng tạo - điểm đến trên cơ sở các thiết chế văn hóa như: Không gian sáng tạo giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; không gian sáng tạo phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn truyền thống tại Nhà hát Múa rối Thăng Long; di tích Nhà tù Hỏa Lò...

Ảnh minh họa
Kế hoạch được ban hành nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo; triển khai các nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện các sáng kiến và cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Qua đó, kết nối, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc trên địa bàn trong quá trình tái thiết đô thị, gắn với phát triển không gian sáng tạo, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Kế hoạch gồm nhiều nội dung như: tăng cường chính sách thúc đẩy hoạt động sáng tạo; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá và giới thiệu hoạt động sáng tạo; tổ chức các hoạt động với vai trò là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội...
Triển khai các nội dung trên, Hà Nội sẽ xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, cơ chế đầu tư, hỗ trợ hợp tác công - tư; chính sách đối với trung tâm công nghiệp văn hóa; xây dựng chính sách, biện pháp bảo vệ và phát triển văn hóa, nghệ thuật Thủ đô; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm triển khai các cơ chế, chính sách hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và thúc đẩy hoạt động sáng tạo.
Một trong những đề xuất đáng chú ý là nghiên cứu hình thành Quỹ hỗ trợ sáng tạo Hà Nội. Quỹ này sẽ hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, triển khai ý tưởng mới và tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Hà Nội.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ hoàn thiện tiêu chí kết nối các không gian sáng tạo tham gia Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội, đồng thời tích hợp hoạt động của mạng lưới này vào Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo đặt tại Bảo tàng Hà Nội.
TP tiếp tục xây dựng các không gian sáng tạo - điểm đến trên cơ sở các thiết chế văn hóa, đưa hoạt động sáng tạo vào không gian di sản văn hóa, không gian công cộng phù hợp với kết cấu hạ tầng hiện đại, hướng tới mục tiêu dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo.
Cùng với đó, TP chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động sáng tạo tại các địa điểm như: tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), hồ Thiền Quang và Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), khu ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình), phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), khu đô thị Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức - Tập đoàn Sovico), khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai).
Một trong những trọng tâm thời gian tới là định vị Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội vượt khỏi khuôn khổ một sự kiện đơn lẻ, hướng tới trở thành nền tảng kết nối sáng tạo liên ngành bền vững trong nước, khu vực và quốc tế.
Lễ hội này sẽ đóng vai trò khơi nguồn cảm hứng, ươm mầm và hình thành đội ngũ sáng tạo; phát triển hệ sinh thái sáng tạo, phát huy sức mạnh ngành thiết kế; tạo nên xu hướng sáng tạo liên ngành trong mọi lĩnh vực; là sân chơi kết nối, giao lưu sáng tạo; trở thành hoạt động tiêu biểu của TP và thu hút nguồn đầu tư.
TP cũng nghiên cứu, đề xuất Giải thưởng Thiết kế sáng tạo Hà Nội mang tầm quốc tế, tổ chức định kỳ 2 năm/lần nhằm kết nối đội ngũ sáng tạo trong và ngoài nước, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nâng cao giá trị sản phẩm sáng tạo.
Trong kế hoạch triển khai các hoạt động với vai trò thành viên Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, TP Hà Nội nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế, kết nối với các thành phố thành viên khác trong mạng lưới (UCCN).
Ngoài ra, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhằm thúc đẩy giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời tăng cường hợp tác với các thành phố sáng tạo trong nước như: Hội An và Đà Lạt, xác định các sáng kiến chung, nâng cao hình ảnh của UCCN tại Việt Nam trong các lĩnh vực sáng tạo: Thiết kế, thủ công - mỹ nghệ dân gian, âm nhạc và ẩm thực. Ngoài ra, TP Hà Nội sẽ hỗ trợ, kết nối với TP Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng hồ sơ tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2025.

Tiên phong và sáng tạo
Kinhtedothi - Để chuẩn bị bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thanh niên Việt Nam phải làm gì? Đây là câu hỏi lớn được đặt ra với thế hệ thanh niên nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025).

Công nghiệp văn hóa gắn với thành phố sáng tạo: động lực phát triển cho Thủ đô
Kinhtedothi - Hà Nội là địa phương đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề về Công nghiệp văn hóa (CNVH) thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô. Và khi CNVH gắn với thực hiện TP sáng tạo chắc chắn sẽ là động lực phát triển cho Thủ đô.

Du khách thích thú sáng tạo nghệ thuật độc đáo tại Văn Miếu Quốc Tử Giám
Kinhtedothi - Hà Nội Art Fair 2025 đang diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám thu hút đông đảo du khách. Chương trình mang đến những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt khi khách tham quan được trực tiếp sáng tạo tác phẩm nghệ thuật của riêng mình.