Sáu mươi bảy năm trước, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp với dã tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa đã nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta tại Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.
Như vậy, chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng niềm vui thanh bình, đã lại phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc vừa giành được, thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Chỉ 4 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 6/9/1945, phái bộ quân sự Anh đã có mặt ở Sài Gòn, theo sau gót quân Anh, binh lính Pháp cũng kéo vào. Chúng câu kết với nhau, vu cáo chính quyền cách mạng không giữ nổi trật tự, trị an, đòi chúng ta phải giải tán các đội tự vệ và ngăn cấm đồng bào ta biểu tình. Chúng sử dụng tàn binh Nhật và bọn tay sai phản động vào việc khống chế, ngăn cản lực lượng nhân dân tham gia các hoạt động ủng hộ chính quyền cách mạng; đồng thời phái bộ của quân Anh đã ra lệnh thả hơn 1400 lính Pháp bị Nhật bắt hồi đảo chính, trang bị vũ khí cho chúng và hình thành những đơn vị lê dương rất hung hãn, ngang nhiên khiêu khích phá phách, cướp bóc rất trắng trợn…
Dự liệu được tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước hãy bình tĩnh đợi lệnh của Chính phủ để sẵn sàng chiến đấu.
Tại Hà Nội, Đảng và Chính phủ vừa phải lo củng cố chính quyền cách mạng và ổn định đời sống của nhân dân, vừa phải lo đối phó với quân Tưởng và bè lũ tay sai, nhưng Bác và Thường vụ Trung ương Đảng hàng ngày, hàng giờ vẫn theo dõi chặt chẽ diễn biến phức tạp ở miền Nam. Bác căn dặn nhân dân Nam Bộ bình tĩnh, tranh thủ thời gian để xây dựng lực lượng, củng cố giữ vững chính quyền cách mạng. Đồng thời, cử một phái đoàn của Trung ương do đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu vào Nam để cùng Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam bộ chỉ đạo cuộc kháng chiến.
Dã tâm đặt ách đô hộ nước ta lần nữa, ngày 23/9/1945, Pháp nổ súng đánh chiếm sở cảnh sát, trụ sở Uỷ ban nhân dân, nhà máy điện, kho bạc… Trước hành động ngang ngược của kẻ thù, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam bộ đã tiến hành họp khẩn cấp để bàn việc thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng. Hội nghị phân tích những âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp, thái độ đồng lõa của đế quốc Anh và quyết định thành lập Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ; đồng thời ra lệnh phát động toàn dân triệt để tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với giặc Pháp; phát động cuộc chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây địch trong thành phố, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên, tiến ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Ngày Nam Bộ kháng chiến.
Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến
(Ảnh tư liệu)
Thực hiện quyết định của Xứ ủy và Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ, ngay chiều 23/9, cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy, đêm 23/9 công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn đã cắt toàn bộ điện, nước. Trên khắp các đường phố đều dựng các chiến lũy. Tất cả mọi đồ vật như: bàn, ghế, giường, tủ, các loại xe và những vật dụng cồng kềnh đều được huy động khuân ra đường dựng lên các chướng ngại vật để cản bước tiến của quân địch. Mọi sinh hoạt trong thành phố bị ngưng trệ. Các đội xung phong công đoàn cùng các đội tự vệ, thanh niên xung kích nhanh chóng triển khai chiến đấu. Hàng trăm xí nghiệp và công sở, hàng chục kho tàng, bến bãi… bị phá hủy, không để rơi vào tay Pháp. Nhiều máy móc, dụng cụ được công nhân và nhân dân thành phố chuyển ra ngoài, thành lập 2 binh công xưởng để sản xuất vũ khí đánh địch. Các ụ chiến đấu mọc lên khắp nơi. Ngay trong những ngày đầu kháng chiến, quân và dân Sài Gòn đã tiêu hao nhiều sinh lực địch và phá huỷ một phần cơ sở vật chất của chúng. Bị bao vây chặt trong thành phố, quân Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn: không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, thực phẩm… và luôn bị quân dân ta tập kích, tiêu hao, tiêu diệt. Chúng buộc phải tìm cách hoãn binh, nhờ phái bộ Anh xin điều đình với Ủy ban kháng chiến Nam bộ.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam bộ có ý nghĩa rất to lớn, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Đồng thời, tỏ rõ tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền của dân tộc ta; thực hiện chủ trương của Đảng cần phải tập trung đánh mạnh quân Pháp ở Nam bộ, quyết tâm giành thắng lợi ở chiến trường Nam Bộ để tạo điều kiện cho việc đấu tranh với quân Tưởng ở ngoài miền Bắc.
Ngày 24/9, Chính phủ ra lời hiệu triệu kêu gọi đồng bào cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ và coi công cuộc chuẩn bị trường kỳ kháng chiến, chi viện Nam bộ là trọng tâm công tác của Chính phủ và của toàn dân. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào ủng hộ Nam bộ, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến diễn ra sôi nổi khắp nơi trên toàn quốc với nhiều hình thức phong phú. Hàng vạn thanh niên nô nức tòng quân, các đoàn quân Nam tiến được thành lập, gấp rút lên đường vào Nam chiến đấu chi viện cho Nam bộ. Toàn dân tộc sôi sục căm thù, tỏ rõ ý chí quyết tâm chống Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta. Người chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Người biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của quân dân Nam bộ.
Đáp lại lời kêu gọi của Người, xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của nhân dân cả nước, nhân dân Nam Bộ vùng dậy dũng cảm đánh trả kẻ địch có trang bị hiện đại, làm thất bại âm mưu của địch, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã gây chấn động cả nước. Ngay lập tức, nhiều tỉnh ở Nam Bộ đã nhanh chóng gửi lực lượng đoàn viên, thanh niên, tự vệ xung kích… về góp sức với nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn chống thực dân Pháp xâm lược.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam bộ có ý nghĩa rất to lớn, đã ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, đánh một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc. Đồng thời, tỏ rõ tinh thần yêu nước quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào Nam bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.
Từ gậy tầm vông, mã tấu cùng các loại vũ khí thô sơ, nhân dân miền Nam đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của quân dân miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu cao quý "Thành đồng Tổ quốc". Trên suốt chặng đường dài lịch sử, nhân dân miền Nam giữ vững lời thề son sắt, đã hy sinh tất cả vì sự nghiệp đấu tranh cho Hòa bình - Độc lập -Thống nhất đất nước. Cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân miền Nam nói riêng cùng với nhân dân cả nước nói chung đã lập nên chiến công chói lọi. Với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa bảo vệ Tổ quốc, nhằm mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, khẳng định đường lối đổi mới mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là hoàn toàn đúng đắn. Đó là kết quả của quá trình tìm tòi, sáng tạo và thể nghiệm thông qua sự trăn trở, đấu tranh gian khổ giữa cái cũ và cái mới. Đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thử thách to lớn, ngày càng lớn mạnh và đang vững bước đi lên. Chúng ta đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường, độc lập, tự chủ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Tuy nhiên, nước ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau và diễn biến phức tạp, không thể xem thường. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có diễn biến phức tạp. Tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ yếu, tạo cho nước ta nhiều thời cơ nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới.
Tinh thần chiến đấu quật cường, kinh nghiệm khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn thách thức của ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử. Đó sẽ là động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là “Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.