Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong ứng dụng công nghệ

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Phát huy vai trò phụ nữ Thủ đô trong ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Ngày Phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo” năm 2024.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Khẳng định tiềm năng, đóng góp của phụ nữ trong đổi mới sáng tạo

Theo Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh, thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025”, xác định chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đối mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, xu thế tất yếu để thực hiện chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó vai trò của phụ nữ được xác định là rất quan trọng.

Theo Chủ tịch Hội LHPN TP Lê Kim Anh, Hà Nội là nơi tập trung trên 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước, với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc, trong đó có nhiều nữ trí thức. Đồng thời, Hà Nội cũng là địa phương có nhiều nhất số làng nghề truyền thống và làng có nghề, nhiều nữ nghệ nhân, thợ giỏi, số lượng nữ doanh nhân đông đảo. Xây dựng nông thôn mới của Hà Nội dẫn đầu cả nước trong đó có đóng góp quan trọng của phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trung tâm đổi mới sáng tạo NIC chia sẻ về những chính sách ưu tiên về đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện nay
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trung tâm đổi mới sáng tạo NIC chia sẻ về những chính sách ưu tiên về đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện nay

Đây là vừa là niềm tự hào đồng thời khẳng định vai trò và tiềm năng to lớn của phụ nữ Thủ đô trong đổi mới, sáng tạo, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ về một số chủ đề như: thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại; giải pháp để tập hợp, đoàn kết đội ngũ nữ trí thức khoa học và công nghệ trên địa bàn Thủ đô; cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới sáng tạo; những chính sách ưu tiên về đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện nay; những thuận lợi, khó khăn của phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và lời khuyên cho các doanh nghiệp nữ về giá trị mang lại của công nghệ thông tin...

PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Phó chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam giới thiệu về những giá trị mang lại cho doanh nghiệp và cộng đồng khi ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp 
PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Phó chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam giới thiệu về những giá trị mang lại cho doanh nghiệp và cộng đồng khi ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp 

Nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin

PGS. TS Bùi Thị An,  Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội, để tạo điều kiện cho đội ngũ nữ trí thức phát triển, cống hiến và hội nhập quốc tế, cần quan tâm, chăm sóc và thúc đẩy phát triển để phụ nữ được tham gia nghiên cứu, giảng dạy, làm việc ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội; có chính sách ưu tiên đối với đào tạo nữ trí thức; có các chế độ, chính sách quy hoạch, nâng lương, nâng bậc, bổ nhiệm hợp lý đối với nữ trí thức để động viên, thu hút và nâng cao khả năng lao động, sáng tạo của đông đảo nữ trí thức trên toàn quốc.

Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, để xã hội nhận thức được ngày càng sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của phụ nữ đối với sự phát triển của quốc gia; tiếp tục chỉnh sửa những quy định về tuổi nghỉ hưu chưa hợp lý hiện nay đối với phụ nữ, đặc biệt phụ nữ làm việc trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế...

PGS. TS Bùi Thị An,  Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội phát biểu tại hội thảo
PGS. TS Bùi Thị An,  Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA Đinh Thị Thúy, để thúc đẩy phụ nữ Thủ đô nói riêng và phụ nữ toàn quốc nói chung ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, Hội LHPN TP cần phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức nhiều hơn nữa các khóa đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin dành cho phụ nữ. Những khóa học này nên tập trung vào việc nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ, quản lý và phát triển các ứng dụng công nghệ trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, xây dựng một mạng lưới kết nối các nữ doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin để các chị em trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển; tăng cường các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò quan trọng của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

"Những chương trình này không chỉ giúp thay đổi định kiến xã hội mà còn tạo động lực cho các chị em phụ nữ tự tin bước vào lĩnh vực công nghệ, góp phần phát triển nền kinh tế số của đất nước" - bà Đinh Thị Thúy nhấn mạnh.