Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phạt nguội chủ xe vi phạm qua tài khoản: Nhiều cái lợi, nhưng cần thí điểm

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nên thực hiện thí điểm trên một vài phương diện và ở một số địa phương để các cơ quan quản lý Nhà nước có điều kiện đánh giá, rút kinh nghiệm và sửa đổi trước khi áp dụng trên phạm vi rộng hơn... Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia khi bàn về đề xuất chủ xe ô tô phải lập tài khoản để phạt nguội.

Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Bộ GTVT đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sửa đổi. Trong Dự thảo có bổ sung quy định liên quan đến việc chủ phương tiện ô tô phải lập tài khoản ngân hàng để phạt nguội và trả phí đường bộ. Đề xuất trên đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên gia. Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về những lợi ích, cũng như bất cập còn tồn tại của đề xuất này.

Ý tưởng tốt

Bộ GTVT có đề xuất yêu cầu các chủ xe ô tô phải lập tài khoản ngân hàng để phục vụ cho việc phạt nguội và nộp phí đường bộ, ông đánh giá như thế nào về đề xuất trên?

- Đầu tiên có thể khẳng định đây là ý tưởng tốt, nếu thực hiện được sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Cái lợi dễ nhìn thấy nhất là đối với công tác xử phạt vi phạm giao thông, khi các chủ phương tiện có tài khoản ngân hàng, việc xử phạt nguội sẽ rất đơn giản và thuận lợi. Chỉ cần một thông báo từ cơ quan chức năng, ngân hàng sẽ lập tức khấu trừ trực tiếp tiền phạt từ tài khoản của chủ phương tiện để nộp vào ngân sách. Kể cả đối với người vi phạm giao thông cũng được hưởng lợi khi không phải đi lại nhiều lần, vừa mất thời gian vừa tốn công sức, tiền bạc. Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, dù biết lợi ích nhãn tiền, nhưng để thực hiện được chủ trương này không hề đơn giản.

"Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang áp dụng phạt nguội, tính tự giác của chủ xe chưa cao và chế tài xử phạt cũng chưa thật sự mạnh tay. Nếu có một tài khoản để tự động khấu trừ là hay nhất." - Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong


"Phạt nguội là cách thức xử lý minh bạch, giúp giảm số lượng cảnh sát giao thông. Các chủ xe kinh doanh phải bắt buộc mở tài khoản, còn chủ xe cá nhân có thể khuyến khích trước, sau đó thực hiện đồng loạt." - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh

Vậy, nếu áp dụng phương thức này, sẽ còn khó khăn gì?

- Muốn thực hiện được phạt nguội từ tài khoản chủ phương tiện, điều cơ bản nhất là phải thực hiện đồng bộ tất cả các điều kiện. Trước hết là việc mở tài khoản có được thuận lợi hay không. Thứ hai là khi tài khoản đã được mở, số tiền nộp vào trong tài khoản theo chế độ “chờ nộp phạt” đấy sẽ được tính lãi như thế nào.

Về nguyên tắc, khi ngân hàng đã huy động được một nguồn tiền, dù số tiền đó là bao nhiêu, vẫn sẽ được đem ra quay vòng để thu lời. Đó là nguyên tắc làm việc bất di bất dịch của ngân hàng từ trước đến nay. Nếu chỉ tính số tiền trong một tài khoản thì không đáng kể, song khi gộp chung lại từ hàng nghìn tài khoản như vậy, số tiền sẽ rất lớn. Từ đó sẽ phát sinh vấn đề là số tiền này có được sử dụng để quay vòng hay “chôn chân” một chỗ.

Nếu như để số tiền ấy một chỗ sẽ là một sự lãng phí lớn. Còn khi đem ra sử dụng để xoay vòng như đúng chính sách của ngân hàng cũng sẽ tiềm ẩn nhiều bất cập. Trong trường hợp rủi ro xảy ra, khả năng thanh toán là rất khó. Thế mới nói, đề xuất chủ phương tiện lập tài khoản để phạt nguội là đúng, có nhiều cái lợi, nhưng khi thực thi chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề.

Chính sách đồng bộ

Như ông nói, tiền đã gửi vào tài khoản ngân hàng thì về nguyên tắc sẽ được đem xoay vòng để sinh lời, nhưng đây là tiền nộp trong chế độ “chờ nộp phạt”. Theo ông, nếu ngân hàng sử dụng sinh lời thì số tiền lãi ấy phải xử lý thế nào?

- Đây cũng là vấn đề nhiều người quan tâm, để giải quyết được không hề đơn giản. Đúng số tiền đó là của chủ xe, người ta nộp vào không phải để lấy lãi mà là để chờ phạt nguội. Như vậy đúng ra ngân hàng không được đem ra sử dụng. Nhưng như tôi đã nói, tiền gửi vào ngân hàng mà để “chôn chân” một chỗ sẽ lãng phí. Còn khi đem ra sử dụng và sinh lời thì số tiền lãi sẽ phân chia ra sao, ai được hưởng cũng là cả một vấn đề.

Theo tôi, vấn đề này cần có một chính sách đồng bộ được thiết kế sao cho phù hợp. Ví dụ chặn tất cả mọi vấn đề. Khi người ta sử dụng tiền trong những tài khoản này, ngân hàng phải có chính sách rõ ràng với khách hàng. Còn khi thanh toán cho kho bạc sẽ xử lý như thế nào? Số tiền lãi dôi dư ra nên phân chia như thế nào cho hợp lý. Điều này đòi hỏi phía ngân hàng phải có một chính sách đồng bộ đảm bảo đúng kỷ luật, kỷ cương, công bằng, hợp lý. Làm được điều đó mới mong việc áp dụng chủ trương lập tài khoản ô tô để phạt nguội thành công. Còn không chắc chắn sẽ có bất cập, được đằng này sẽ hỏng đằng khác; đạt được lợi ích chỗ này dễ mất công bằng chỗ khác.

Để đề xuất này khả thi, theo ông cần phải có kế sách gì kèm theo?

- Kế sách thì chắc chắn có, nhưng đầu tiên các cơ quan quản lý Nhà nước cần lập được một sơ đồ tổng thể để thực hiện đề xuất này. Nhìn vào sơ đồ sẽ nhìn ra chỗ nào tắc, chỗ nào dễ sinh bất cập để có phương án gỡ nút dần dần và tính toán được cái gì nên làm trước, cái nào cần làm sau. Cơ quan đề xuất cũng cần phải lên được các phương án giải quyết đồng bộ, loại trừ những yếu tố gây cản trở trong quá trình thực hiện.

Theo tôi, đề xuất lập tài khoản chủ phương tiện để phạt nguội này nên thực hiện dần dần từng bước. Cái nào khó nhất thì phải làm trước. Thậm chí có thể thực hiện thí điểm trên một vài khía cạnh nào đó ở một số địa phương có điều kiện thuận lợi nhất. Từ những thí điểm này, ta có thể tổng kết lại, rút kinh nghiệm và từ đó nhân ra những địa phương khác khi mô hình đã thật sự hoàn chỉnh, đồng bộ. Cách làm này vừa giúp các cơ quan thực hiện có điều kiện đánh giá, nhìn nhận những bất cập để sửa đổi cho phù hợp và tránh những vấp váp, bất cập khi áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Ở các nước phát triển trên thế giới đã thực hiện chính sách phạt nguội từ rất lâu và đã thành công. Trong khi ở nước ta, việc này gặp nhiều khó khăn và chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Theo ông đâu là yếu tố dẫn tới sự khác biệt này?

- Nhìn vào các nước phát triển trên thế giới có thể dễ dàng nhận ra, khi họ thực hiện việc xử phạt nguội trong vi phạm giao thông, họ đã có một chính sách rất đồng bộ hoàn chỉnh, đặc biệt là hệ thống làm luật và tính pháp lý của họ rất cao. Chế tài xử phạt của họ đối với những người vi phạm giao thông được thực hiện rất nghiêm. Ngoài ra ở nước ngoài, việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức khi thực hiện một chủ trương, chính sách nào đó luôn rất tốt. Trong khi ở nước ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm, như việc phối hợp của các cơ quan, đơn vị lâu nay vẫn chưa tốt. Thậm chí có nhiều trường hợp ngành này làm, ngành kia không làm, ngành này có chính sách, ngành kia không có chính sách... Sự vênh nhau này không những không tạo điều kiện cho mọi người cùng làm, mà còn triệt tiêu lẫn nhau.

Xin cảm ơn ông!