Kinhtedothi - Cùng với sự phát triển của đất nước, bộ mặt giao thông đô thị của Thủ đô đã có sự chuyển mình rõ rệt cả về chất và về lượng. Trong năm 2014, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết UTGT, tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp tình thế, còn về lâu dài, Hà Nội phải xây dựng được một cộng đồng có ý thức chấp hành nghiêm các quy định về ATGT.
Muôn vàn lý do… vi phạm
Trong bức tranh giao thông đô thị đan xen nhiều mảng màu sáng tối của Thủ đô những năm vừa qua, có thể thấy rõ, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người dân diễn ra rất phổ biến. Uống rượu bia khi tham gia giao thông là một trong những lỗi vi phạm chủ yếu, nhất là vào dịp lễ, tết. Tại địa bàn Hà Nội, người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, từ thanh thiếu niên đến người lớn tuổi. Khi bị lực lượng CSGT kiểm tra, họ thường nêu lý do chỉ uống vài cốc, vài ly nên chưa say. Nhưng kết quả từ máy đo nồng độ cồn lại thường xuyên là điều ngược lại. Cá biệt có những trường hợp không xin xỏ được và bị tạm giữ phương tiện còn quay ra thách thức lực lượng CSGT. Điều đáng nói là hậu quả của TNGT do người uống rượu, bia gây ra là vô cùng nghiêm trọng, không chỉ với nạn nhân mà còn ảnh hưởng lớn đến gia đình và toàn xã hội.
Tình trạng đi sai đường, lấn làn diễn ra hàng ngày, hàng giờ dù quy định về mức xử phạt đối với các hành vi này là khá nặng. Cụ thể, người điều khiển ô tô chuyển làn không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng; người điều khiển ô tô đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định sẽ bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng. Đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy đi không đúng phần đường, làn đường sẽ bị phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng, song tình trạng người dân đi sai làn đường vẫn xảy ra thường xuyên, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Luật Giao thông đường bộ quy định, tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Luật quy định như vậy, nhưng người tham gia giao thông ở Hà Nội vẫn phớt lờ, điều này gây nguy hiểm tính mạng và sức khỏe của người khác. Theo Trung tâm điều hành Đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng TP, việc dừng lấn làn và đè vạch dừng tại các nút tín hiệu giao thông có hệ thống đèn tín hiệu xảy ra phổ biến tại các nút có mật độ giao thông cao như: Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, Trần Cao Vân - Hà Huy Tập, Phan Chu Trinh - Trần Quốc Toản…
Chuyển biến tích cực nhờ “phạt nguội”
Những năm qua chúng ta đã coi trọng tuyên truyền về thực hiện luật giao thông, tuy nhiên nói nhiều hơn làm, chưa có tác dụng thật sự, còn việc xử lý vi phạm lại chưa đủ mạnh làm thay đổi ý thức của người tham gia giao thông. Cách đây vài năm, đề xuất lắp đặt camera ghi hình để “xử phạt nguội” đã được đưa ra vầ phải đợi đến tháng 11/2014, gần 300 camera mới được lắp ở các nút giao thông trọng điểm ở Thủ đô để thực hiện thí điểm xử phạt nguội các xe vi phạm.
Trong khi ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của số đông người dân, nhất là thanh niên chưa cao thì việc "xử lý nguội" là biện pháp hữu hiệu, có tác động tích cực làm chuyển biến, nâng cao ý thức của người dân cần được triển khai ngay. Theo đó sẽ lắp đặt camera giám sát tại các điểm đen TNGT trên các tuyến đường, cổng trường học các cấp, bố trí người trực 24/24 giờ, ghi nhận ngay các trường hợp vi phạm. Việc xử phạt theo quy định sẽ được thực hiện khi các phương tiện đi đăng kiểm, ngoài ra có thể tính thêm các mức phí tùy theo thời gian khi vi phạm đến khi nộp phạt. Trong quá trình thực hiện sẽ có những khó khăn, vướng mắc như: xe không chính chủ, xe chưa sang tên đổi chủ… đối với những trường hợp này, khi đăng kiểm buộc chủ xe phải chấp nhận nộp phạt. Đối với những trường hợp xe mang biển số giả, biển số tỉnh ngoài, cần có sự phối hợp nối mạng chung trong toàn quốc để có đủ bằng chứng, giúp cho việc xử phạt đúng phương tiện, đúng người.
Trên thực tế, việc áp dụng "phạt nguội" qua hệ thống camera không chỉ nâng cao năng lực điều hành giao thông theo hướng hiện đại mà còn từng bước hình thành ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của người dân. Đại diện của Đội điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội) cũng khẳng định: "Việc áp dụng “phạt nguội” qua hệ thống camera sẽ góp phần nâng cao năng lực điều hành giao thông theo hướng hiện đại. "Khi hệ thống camera giám sát và trung tâm được hoàn thiện đưa vào hoạt động sẽ hỗ trợ tốt, giảm bớt sức lực cho cảnh sát giao thông và về sau này, khi hoạt động tốt có thể rút bớt dần lực lượng CSGT".
Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc như chủ xe không đến giải quyết hoặc nhiều xe chưa chuyển quyền sở hữu hoặc đi xe gian, nhưng các vấn đề về thể chế, thông tư, quy định sẽ được hoàn thiện dần trong thời gian tới. Và cơ quan chức năng cũng như người dân hy vọng, với sự quyết tâm, phương pháp ghi hình, "xử lý nguội" sẽ nhận được sự đồng thuận và góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, giảm thiểu UTGT và TNGT.
Xử phạt vi phạm an toàn giao thông trên đường Kim Mã. Ảnh: Anh Tuấn
|