Phật thủ, quất cảnh “ngậm” hóa chất độc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tận dụng quất, phật thủ, cam, bưởi của những cây cảnh trưng bày ngày Tết là “thú vui” của nhiều bà nội trợ.

Cứ tưởng việc kết hợp “2 trong 1” này là khoa học nhưng thực tế lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do lượng chất hóa học tồn dư trong các sản phẩm này.
Không nên tận dụng quất cảnh sau Tết.
Không nên tận dụng quất cảnh sau Tết.
Hóa vàng Rằm tháng Giêng xong, chị Nguyễn Thị Ngân (quận Ba Đình) cũng quyết “hóa vàng” nốt cây quất và cây đào trong nhà. Nhìn những quả quất chín mọng vàng ươm, tiếc rẻ nên chị Ngân định bụng giữ lại để ngâm đường làm nước giải khát cho cả gia đình. Cũng biết để giữ được quả tươi lâu, người bán sẽ phun thuốc nên trước khi ngâm đường chị Ngân đã cẩn thận cho quả vào ngâm nước muối. Vậy nhưng, mới ngâm được 10 phút, nước trong chậu đã sủi bọt lăn tăn rồi chuyển sang màu vàng ngà. Thấy vậy, chị Ngân vội vàng vứt hết vào sọt rác. “May mà tôi để ý, không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra” - chị Ngân chia sẻ.

Tương tự, chị Đào Thanh Hải (huyện Đông Anh) cũng định tận dụng những quả phật thủ thắp hương từ Tết để ngâm mật ong trị ho cho cả gia đình. Tuy nhiên, cách đây ít ngày khi đến chơi nhà một người bạn làm thuốc Đông y, tận mắt chứng kiến những quả phật thủ được nhà thuốc đặt riêng nhà vườn chỉ bé bằng cái cốc, vỏ nhăn nheo xù xì lốm đốm, chị Hải mới giật mình khi quả phật thủ nhà mình lại vừa to vừa căng mọng, đẹp như tranh vẽ. Ngẫm ra, những quả được bán để trưng bày chắc chắn sẽ được “chăm chút” cẩn thận hơn với các loại hóa chất, chị Hải từ bỏ hẳn ý định tự làm thuốc trị ho cho cả nhà. Cũng từ sau hôm đấy, chị cấm tiệt trẻ con trong nhà ngắt quất cảnh chơi, đề phòng chúng cho vào miệng ăn.

Nhắc đến việc tận dụng quả của cây cảnh trong dịp Tết, chiều qua, trao đổi của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị với TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội, TS Thịnh đã phải thốt lên rằng: “Người dân chớ có tiếc của mà rước bệnh vào người”. TS Thịnh phân tích, ngay từ mục đích sử dụng ban đầu của những loại cây này đã được chọn là để làm cảnh chứ không phải làm thực phẩm, mà đã để làm cảnh thì việc đảm bảo ATTP chắc chắn sẽ không được ưu tiên. Thay vào đó, người trồng sẽ chú trọng đến cái “mã” bên ngoài. Theo TS Thịnh, kể cả quất, phật thủ hay bưởi được dùng để làm cảnh, người trồng đều sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất khác để cây được xanh tốt, quả chín vàng, căng mọng. Đặc biệt, áp Tết nhà vườn sẽ càng tăng cường phun thuốc hơn để cây được tươi và quả không bị rụng.

Về bản chất, quất hay phật thủ là một nguyên liệu trong Đông y nhưng quả phải đảm bảo không nhiễm chất hóa học. Hiện nay, nhiều bà nội trợ có suy nghĩ ngâm quất hay phật thủ nước muối nhiều lần trước khi sử dụng. Tuy nhiên, TS Thịnh đã khẳng định, việc ngâm nước muối không loại bỏ được hết lượng hóa chất tồn dư trong các sản phẩm này. Bởi lẽ, nếu chỉ phun bên ngoài ngâm nước muối và sử dụng máy rửa rau củ, quả có thể loại bỏ nhưng đa phần các nhà vườn đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian dài nên hóa chất đã ngấm sâu vào trong quả. “Không ai biết người trồng phun thuốc lúc nào, loại thuốc nào, thời gian cách ly của thuốc ra sao nên không ai có thể đảm bảo được mức độ an toàn của các sản phẩm này” - TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.

Chủ động tìm các bài thuốc dân gian với nguyên liệu từ thiên nhiên làm thuốc cho gia đình là rất tốt. Tuy nhiên, người dân cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn nguồn nguyên liệu, tuyệt đối không nên tận dụng quả từ những cây cảnh chơi Tết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần