Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phạt tiền với hành vi bạo lực học đường: Phản tác dụng, khó khả thi

Thủy Trúc – Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước vấn nạn về bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng, Bộ GD&ĐT đang đề nghị mức phạt tiền nhà giáo lên tới 30 triệu đồng đối với hành vi đánh học sinh. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng môi trường sư phạm vốn đặc thù, hình ảnh người thầy trong mắt học trò cũng rất thiêng liêng, vì thế cơ chế vận hành vội vàng, nếu không cẩn thận lại trở thành phản tác dụng.

 Giờ học của cô và trò trường THCS Chu Văn An, huyện Thanh Trì. Ảnh: Phạm Hùng
Giáo viên có thể chịu tổn thương
Theo Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GD&ĐT xây dựng, tại Điều 32 Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học, nêu rõ: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học; Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. Cùng với đó là khắc phục hậu quả, buộc phải xin lỗi công khai và bị đình chỉ giảng dạy từ 1 - 6 tháng. Nhiều người đồng tình với nội dung xử phạt này và cho rằng, những hành vi bạo lực học đường đối với trẻ em cần bị xử lý nghiêm để răn đe.

Trao đổi về mức phạt 30 triệu đồng đối với giáo viên xâm phạm thân thể học sinh, thầy Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai) ủng hộ quy định này. Tuy nhiên, theo thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên dạy Toán trường THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), quy định này thực sự không khả thi. Bởi Nghị định 138 ra đời từ năm 2013, khi đưa vào ứng dụng trong thực tế không thuận lợi. “Quan hệ trong nhà trường là rất thiêng liêng. Giáo viên cũng có những quy tắc ứng xử từ cấp độ trong các nhà trường, đến sở GD&ĐT và cao hơn cả Luật Giáo dục. Nếu để xảy ra các vi phạm mà có những hình thức phê bình kỷ luật từ phía trong ngành trước sẽ hiệu quả hơn. Đằng này, hành chính hóa một cách cứng nhắc sẽ phản tác dụng và không khả thi” – thầy Tùng nêu quan điểm. Đồng thời cho rằng, phạt tiền không phải là điều ghê gớm lắm nhưng bị phạt, ở mức độ nào, khi công khai ra, giáo viên sẽ bị tổn thương ghê gớm về mặt tinh thần, trong khi nhiều trường hợp, giáo viên không cố ý.

Cần xem xét kỹ lưỡng

Có người so sánh, mức phạt giáo viên xâm phạm thân thể học sinh lên tới 30 triệu đồng tương đương với 10 tháng lương là quá nặng. Về vấn đề này, TS Tâm lý Trần Thành Nam – trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, có thể không phạt tiền nhiều đến mức đó nhưng khuyến khích hình thức phạt nặng. Luật là để ngăn chặn vi phạm học đường, nhưng, trước thực tế quá tải trường lớp khiến giáo viên chịu áp lực rất lớn. Quy định xử phạt vi phạm thân thể học sinh cũng phải xét đến yếu tố này. Vì vậy, thầy Trần Mạnh Tùng đề xuất có các mức độ xử phạt cho hành vi xâm phạm thân thể học sinh. Mức độ thứ nhất, vi phạm lần một bị nhắc nhở phê bình; lần hai, nhắc nhở, cảnh cáo và lần ba có thể phạt tiền. Cũng cần phải chi tiết, lượng hóa các vi phạm để giáo viên biết thế nào là xúc phạm nhân phẩm, danh dự học sinh, thế nào là xâm phạm thân thể người học. “Nếu chúng ta không làm được việc này, tôi xin đề nghị mạnh dạn bỏ các mức phạt và thay thế bằng quy định nhẹ hơn trong ngành. Hơn nữa, phạt tiền là “lấn sân”, vi phạm nguyên tắc một hành vi bị áp vào 2 bộ luật khác nhau (Luật Dân sự đã quy định rất đầy đủ với các chế tài).

Đồng tình với quan điểm này, TS Trần Thành Nam đề nghị, trước khi dự thảo nghị định được thông qua và thực thi, cần phải có những điều kiện khác để giáo viên thực hiện. Đầu tiên phải có giáo dục cộng đồng và giáo dục kỹ năng cho giáo viên, trong đó có quản lý lớp học. Bên cạnh đó, quy định trong nghị định phải nhất quán với các luật khác. Chẳng hạn, những đối tượng, kể cả phụ huynh vào trường xâm phạm trẻ em đều bị nộp phạt mức tiền giống như áp cho giáo viên có hành vi đó. Với hành vi xâm phạm tinh thần phải có chứng minh hậu quả thì mới kết tội người gây ra phải nộp phạt.

Với dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nhiều người nhận định còn có không ít khiếm khuyết. Có ý kiến còn lo sợ giống như quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, sau một thời gian lại như “ném đá ao bèo”. Thậm chí nảy sinh nhiều tiêu cực, tiền thu nộp phạt sẽ chạy vào túi ai? Vì thế, Bộ GD&ĐT cần cân nhắc và chuẩn bị kỹ các điều kiện trước khi đề nghị Chính phủ thông qua.

Phản hồi về việc nhiều giáo viên phản đối vì cho rằng mức tiền phạt từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm thân thể người học là quá nặng, Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo nghị định để nhằm mục đích răn đe, tránh vi phạm. Tại Điều 1, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đã nêu rất rõ. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, nhà giáo nói chung không chịu sự chế tài của Nghị định này.

Thanh tra Bộ GD&ĐT thông tin, khi xử phạt sẽ xem xét động cơ, hành vi, mục đích, chứ không phải giáo viên đánh học sinh là bị phạt 30 triệu đồng. Trước khi nghị định được ban hành, Bộ GD&ĐT sẽ tập huấn kỹ thuật cho người có thẩm quyền xử phạt để tránh việc xử phạt không đúng người, không đúng hành vi. (Thủy Trúc)