Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện: Hiệu quả từ các mô hình điểm

Bài, ảnh: Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng các giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn Hà Nội đã đạt những kết quả khả quan.

Nhờ mô hình xã, phường điểm về phát triển BHXH tự nguyện, số người tham gia BHXH, BHYT đều tăng so với thời điểm hết năm 2020.

Nhiều cách làm hay, thiết thực

Thời gian qua, để tăng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện, các cấp, ngành huyện Chương Mỹ đã có nhiều giải pháp tích cực. Trong đó đáng chú ý là huyện đã triển khai mô hình “Phát huy vai trò nòng cốt của phụ nữ trong phong trào toàn dân tham gia BHXH, BHYT”. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên tới từng tổ tự quản, cụm dân cư; thành lập tại nhóm “Phụ nữ cùng giúp nhau tìm hiểu, cùng vận động nhau tham gia BHXH, BHYT” tại các tổ dân phố.

Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện: Hiệu quả từ các mô hình điểm - Ảnh 1

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ - Phó Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Thị Luyến cho biết, Hội được chọn làm lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Để tuyên truyền, vận động, mô hình lựa chọn các trưởng nhóm. Mỗi trưởng nhóm phụ trách tối đa 30 hộ có khả năng tham gia BHXH, BHYT.

Nhóm rà soát số hội viên đã có lương hưu, đã tham gia BHXH bắt buộc và số hội viên là lao động tự do chưa tham gia, từ đó có hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả. Qua đó đã thu hút 1.230/2.064 hội viên chưa tham gia BHXH. Thị trấn Xuân Mai đã sử dụng xe máy có gắn loa để đi từng ngõ ngách, thôn, xóm tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, kết hợp phát tờ rơi.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhóm đã tận dụng sức mạnh của các trang mạng xã hội. Cụ thể, với 1 trang Facebook tập thể, 9 trang cá nhân và hơn 10 nhóm Zalo của hội, các chi hội, trưởng nhóm đã tích cực, thường xuyên tuyên truyền về chính sách BHXH.

"Cách làm hiệu quả là sau khi có một số chị em tham gia, tôi đã viết bài về nữ lao động tự do (LĐTD) một cách chân thực, sâu sắc kèm theo những hình ảnh đời thường của họ như đang xát gạo, bán thịt, hái rau, đi cấy... đăng trên trang Facebook, gắn thẻ các trưởng nhóm, từ đó thu hút được sự quan tâm của người dân. Với cách làm này, chúng tôi đã vận động được 75/140 trường hợp là LĐTD tham gia BHXH tự nguyện lần đầu, nhiều trường hợp tham gia ở mức phí cao hàng tháng, hàng quý đều thực hiện chuyển khoản"- bà Luyến chia sẻ.

Sau hơn 6 tháng phối hợp thực hiện mô hình điểm, đến nay thị trấn Xuân Mai đã phát triển được hơn 200 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó riêng Hội Phụ nữ thị trấn vận động được 140 người tham gia lần đầu. Đây là con số tuy chưa nhiều nhưng cũng góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành chỉ tiêu của thị trấn, huyện.

Quan tâm sâu sát đến người tham gia BHXH

Là một xã nghèo không có nhiều nghề phụ, năm 2021 xã Tảo Dương Văn (huyện Ứng Hòa) được chọn là điểm về phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Nhờ các ban ngành tích cực tuyên truyền, phát tờ rơi, đặc biệt là phương thức tuyên truyền trên mạng xã hội như Zalo, Facebook đến đội ngũ Ban Chấp hành Hội Phụ nữ, Tổ tiết kiệm vay vốn, các đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa, trang trại chăn nuôi, mô hình xã điểm đã đạt được những kết quả khả quan.

Trong năm 2021, đại lý UBND xã phát triển được 165 người tham gia mới. Từ tháng 7/2021, khi nhận kế hoạch làm điểm triển khai tuyên truyền đại lý thu đến tháng 11/2021, đại lý thu xã đã phát triển được 85 sổ mới. Đến thời điểm này có 230 tham gia BHXH tự nguyện. Hiện xã có 1.809 người tham gia BHYT hộ gia đình, trong năm 2021 đã tuyên truyền, phát triển được 136 người tham gia mới.

Theo Chủ tịch Hội LHPN, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT xã Tảo Dương Văn Trần Thị Lý, ngoài sự vào cuộc của các ban, ngành, cộng tác viên, đại lý thu thường xuyên tuyên truyền chính sách hỗ trợ với người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các thủ tục tham gia, hưởng chế độ bảo hiểm ngày càng được cải tiến, phục vụ tốt hơn người dân. Đơn vị đã quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình phát triển BHXH tự nguyện, tạo thuận lợi cho người tham gia và đại lý thu.

“Kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động người dân là nhân viên đại lý thu cần sâu sát, quan tâm đến người tham gia BHXH bằng việc nắm bắt thời gian tham gia, sắp hết hạn sử dụng, đóng tiền để đôn đốc, nhắc nhở họ đóng đúng, đủ, đảm bảo quyền lợi và tính liên tục của mỗi loại hình bảo hiểm. Nhân viên đại lý thu phải tận tâm, lo cho mọi người như người thân trong nhà thì người dân mới tin tưởng mà đăng ký tham gia” - bà Lý chia sẻ.

Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết, một trong những thành công của BHXH TP năm 2021 là đã triển khai mô hình xã, phường điểm tại 30 quận, huyện, thị xã. Theo đó, mỗi quận, huyện lựa chọn trên địa bàn một xã, phường có một trong các lợi thế như điều kiện về kinh tế, hoạt động phong trào phát triển mạnh, có sự quan tâm tích cực về chính sách BHXH, BHYT của cấp ủy, chính quyền cơ sở, xã nông thôn mới… để xây dựng mô hình điểm có tính đột phá về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Từ đó nhân rộng triển khai trên toàn địa bàn.

30 xã điểm đều thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, ban hành quy chế hoạt động và xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể tới từng thành viên để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn.

Trong 7 tháng triển khai mô hình xã điểm (từ tháng 6/2021) đã phát triển mới được 3.461 người, chiếm tỷ lệ 13,5% trên tổng số người tăng mới năm 2021, đạt 57,17% kế hoạch xã điểm. Bình quân một xã điểm trong 7 tháng tăng mới được 115 người/xã tham gia BHXH tự nguyện, cao gấp 2,9 lần so với các xã khác.

Đến cuối năm 2021, tại mô hình 30 xã điểm đã có 6.494 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 10,25% tổng số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2021, tăng 3.129 người so với trước khi triển khai mô hình điểm về phát triển BHXH tự nguyện.

 

"Năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn TP là 63.304 người, tăng 14.630 người (tăng 30,06%) so với năm 2020, đạt 100,21% kế hoạch, chiếm 1,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,3% so với chỉ tiêu HĐND TP giao." - Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Đàm Thị Hòa