Nâng dần tỷ lệ đóng qua các năm
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, nếu như năm học 2009-2010 có khoảng 10,7 triệu (gần 70%) HSSV tham gia BHYT, thì đến năm 2016 cả nước có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ hơn 92,5%; năm 2017 có hơn 16 triệu em tham gia, chiếm hơn 93% và đến năm học 2018-2019 đã có hơn 17 triệu (chiếm 95,3%) HSSV tham gia BHYT.Bộ GD&ĐT đánh giá, trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được tăng lên, HSSV đang được hưởng thụ nhiều lợi ích khi đi khám chữa bệnh BHYT. Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo; điều trị bệnh ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng/một trường hợp mắc bệnh.
Bảo đảm mọi HSSV được thụ hưởng chính sách
Đánh giá cao về việc đẩy nhanh tốc độ bao phủ BHYT HSSV thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc thực hiện BHYT bao phủ tất cả HSSV không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân HSSV, mà nó còn thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng và đối với xã hội, rèn luyện tư tưởng tác phong của thế hệ trẻ... Trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về BHYT toàn dân, HSSV luôn được xác định là nhóm đối tượng trọng tâm cần sớm đạt tỷ lệ tham gia 100%, nhưng hiện vẫn còn khoảng 6% HSSV chưa tham gia BHYT, đây cũng là vấn đề đặt ra đối với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nguồn nhân lực tương lai của đất nước.Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện BHYT đối với HSSV đã gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, tỷ lệ cao không tham gia BHYT thường rơi vào sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề chưa tích cực tham gia BHYT (chủ yếu chỉ tham gia năm thứ nhất); do nhận thức của một bộ phận HSSV cho rằng họ ít ốm đau nên không tham gia BHYT. Hạn chế thứ hai là HSSV có thể thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau, ví dụ như hộ gia đình, cận nghèo, nghèo... Một số địa phương do ngân sách hạn hẹp nên không hỗ trợ thêm cho HSSV ngoài mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, sự không đồng đều về cơ sở vật chất, nhân lực, trình độ của y tế cơ sở tại các vùng miền, địa phương có thể lúc không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, tạo nên rào cản.Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, để thực hiện tốt hơn nữa công tác BHYT HSSV, tiến tới đạt mục tiêu bao phủ 100%, cần phải giữ vững và tiếp tục nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, người dân nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng về ý thức trách nhiệm cũng như lợi ích khi tham gia BHYT. Cần đưa chương trình giáo dục về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng vào chương trình giáo dục trong nhà trường...Bên cạnh đó, phải hướng tới sự hài lòng của người bệnh, của các nhóm đối tượng tham gia BHYT khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, trong đó có HSSV. Tại nhà trường, các cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định, trong đó xác định cụ thể các điều kiện khả thi, hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện… để nguồn kinh phí được trích từ quỹ BHYT bảo đảm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khoẻ cho các em trong thời gian học tập tại trường. Đồng thời, ngành BHXH cũng nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan thực hiện chính sách thông qua cải cách hành chính, chuyển mạnh sang tinh thần phục vụ; đẩy mạnh tuyên truyền qua nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức liên quan, các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo cũng như nhận thức của các em HSSV cùng các bậc phụ huynh…, để tất cả mọi người trong xã hội hiểu rằng việc thực hiện chính sách, tham gia BHYT không chỉ là trách nhiệm đối với cá nhân mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng, với xã hội.