Phát triển bất động sản phải đi đôi với quy hoạch

Bài, ảnh: Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đặt vấn đề sốt đất không lo mà lo đất lên giá có tương xứng với mức sống của người dân, với cơ hội kinh tế địa phương hay không, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh, phát triển bất động sản (BĐS) phải đi đôi với quy hoạch của địa phương thì mới bền vững.

Nên khuyến khích nhà đầu tư vĩ mô

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ, ông trân trọng những nhà đầu tư BĐS có tư duy cao. Đó là đầu tư BĐS xây dựng thương hiệu cho tập đoàn, làm dự án không chỉ bán, thu lợi mà phải đi theo đến khi hình thành, phát triển và đồng hành cùng người dân. Đơn cử như Tập đoàn Phú Mỹ Hưng, không chỉ làm quy hoạch, bán đất mà còn đồng hành trong việc quản lý đô thị, biến khu đó thành khu có mức sống cao và có đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế cho địa phương cũng như phát triển kinh tế.

Một khu đất ven sông Hàn đang thực hiện dự án bất động sản ở Đà Nẵng.
Một khu đất ven sông Hàn đang thực hiện dự án bất động sản ở Đà Nẵng.

Cũng theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chúng ta cần có sự điều phối của Nhà nước, khuyến khích những nhà đầu tư có tầm vĩ mô, hạn chế những nhà đầu tư không có đóng góp cho thị trường. “Ví dụ câu chuyện của Thủ Thiêm vừa qua, khi muốn sốt đất thì nhà đầu tư BĐS luôn luôn có thủ thuật. Nếu như thiếu tầm nhìn xa thì người ta chỉ thấy rằng đấu giá cao mừng quá nhưng họ quên rằng thiếu sự điều phối thì nó sẽ “đóng băng” luôn việc phát triển Thủ Thiêm trong vài chục năm nữa” – TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn viện dẫn.

Từng làm quy hoạch cho Phố Đông Thượng Hải của Trung Quốc, tham gia tư vấn cho Thủ Thiêm, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết, Trung Quốc đã đền bù giải tỏa và xóa trắng Phố Đông để làm một quy hoạch. Từ khi xóa trắng đến khi hình thành Phố Đông có vóc dáng như Hồng Kông, Trung Quốc chỉ mất 15 - 20 năm. Thủ Thiêm cũng trong cùng 15 - 20 năm nhưng hiện nay chúng ta chỉ mới thấy một vài con đường, vài chung cư. Như vậy, bài học nằm ở sự chung tay, sự điều phối của Nhà nước, cần có một quy hoạch tốt.

Để sốt đất không tái diễn

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nếu sốt đất mà người dân không thể trả được tiền đó thì nó sẽ trở thành “đô thị ma” như TP mới Bình Dương. Theo ông Sơn, TP mới Bình Dương xây dựng đô thị hiện đại với hướng đi đúng là phát triển đô thị song hành với công nghiệp nhưng họ đặt bài toán sai ở chỗ công nhân lương tháng vài triệu đồng thì làm sao có tiền thuê một căn hộ cao cấp vài chục triệu đồng. Hay như câu chuyện của Đà Nẵng, khi điều tra lại quỹ đất thì đều nói hết. Nhưng thực tế Đà Nẵng chủ yếu nhà thấp tầng, cao tầng không nhiều. TP đã giao đất hết và một lượng không nhỏ nhà đầu tư là nhà đầu cơ, không làm dự án mà ngồi chờ lên giá bán lấy tiền.

Đồng quan điểm về nỗi lo sốt đất, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DKRA Vietnam Phạm Lâm đặt câu hỏi: “Sốt đất có nên lo lắng? Vậy mọi người có muốn sốt đất không? Muốn phát triển không hay muốn đứng yên mãi?”. Theo ông Lâm, nhiều năm trước, tình trạng sốt đất theo tâm lý đám đông hay diễn ra. Còn những năm gần đây, sốt đất cục bộ vừa chớm rồi tắt nhanh chứng tỏ được kiểm soát rất tốt và sự trưởng thành của thị trường.

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, TS Cấn Văn Lực nhận định: Tác động từ chương trình phục hồi kinh tế và việc Chính phủ, các địa phương công bố một loạt những quy hoạch, dự án đầu tư công… nên năm 2022 sốt đất vẫn có thể xảy ra cục bộ. Tuy nhiên, chắc chắn năm nay Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ vào cuộc sớm hơn để hiện tượng sốt đất giả không tái diễn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần