Phát triển cây ăn quả chất lượng cao: Hiệu quả chưa xứng tiềm năng

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều địa phương của Hà Nội đã tích cực chuyển đổi sang trồng cây ăn quả nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, việc liên kết sản xuất - tiêu thụ hạn chế, đầu tư ứng dụng công nghệ cao chưa phổ biến… nên hiệu quả chưa xứng với tiềm năng.

 Mô hình trồng bưởi Diễn tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc
Hiệu quả kinh tế cao

Là một trong những vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao của TP, huyện Chương Mỹ hiện có gần 600ha bưởi Diễn, tập trung tại 7 xã, thị trấn, trong đó nhiều nhất là xã Nam Phương Tiến với diện tích 150ha. Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân cho hay, các mô hình trồng bưởi trên địa bàn cho thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/ha. Tại huyện Thanh Oai, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó có vùng trồng cây ăn quả 200ha ở các xã: Cao Viên, Kim An, Thanh Mai cho thu nhập từ 600 - 800 triệu đồng/ha/năm.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện diện tích trồng cây ăn quả của TP khoảng 16.700ha, tập trung ở các huyện: Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức... Một số địa phương đã áp dụng kinh nghiệm trồng, thâm canh và ứng dụng tiến bộ khoa học về trồng cây ăn quả như: Sử dụng túi bao quả, giống nuôi cấy mô, tưới nước tiết kiệm… Để nâng cao hiệu quả, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân về lựa chọn giống, phân bón, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh từng loại cây theo giai đoạn sinh trưởng. Qua đó, hiệu quả kinh tế tại một số mô hình đã được nâng cao như: Bưởi Diễn đạt 500 - 550 triệu đồng/ha/năm; cam Canh đạt 700 - 800 triệu đồng/ha/năm; nhãn chín muộn đạt 250 - 300 triệu đồng/ha/năm; chuối đạt 190 triệu đồng/ha/năm.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Thực tế cho thấy, trong phát triển mô hình trồng cây ăn quả vẫn còn khó khăn do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán. Một số nơi, người dân đầu tư thâm canh thấp, ứng dụng kỹ thuật mới còn hạn chế nên năng suất chưa cao. Ngoài ra, công tác quản lý và sản xuất giống cây ăn quả còn bất cập đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng của quả. Đây là những nguyên nhân khiến tính cạnh tranh của sản phẩm quả trên thị trường đạt thấp, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.

Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho biết, việc thực hiện các tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP cũng chưa được người dân quan tâm đúng mức. Nhiều hộ chưa có kho riêng lưu trừ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không có sổ sách theo dõi chủng loại, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sử dụng. Ngoài ra, các địa phương cũng chưa chú trọng tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây ăn quả để truy xuất nguồn gốc xuất xứ… ảnh hưởng đến khâu tiêu thụ cho sản phẩm.

Để các vùng trồng cây ăn quả phát huy hiệu quả xứng với tiềm năng, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tăng cường tập huấn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật và xử lý môi trường cho diện tích trồng cây ăn quả giống mới, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho các loại quả đặc trưng từng vùng.

Các sở, ngành cần tiếp tục tham mưu cho TP có chính sách thu hút DN tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn quả. Đây được coi là giải pháp quan trọng nhằm từng bước xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, an toàn, thân thiện với môi trường.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần