Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển chung cư cao tầng và căn hộ giá rẻ: Lựa chọn cho tương lai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện Việt Nam có khoảng hơn 85 triệu dân, trong đó Hà Nội có hơn 7 triệu người. So với tiêu chuẩn thành phố có hơn 3 triệu dân được gọi là mật độ dân cư đông thì Hà Nội đang có tốc độ phát triển dân số rất lớn. Do vậy nhu cầu về nhà ở tăng cao.

KTĐT - Hiện Việt Nam có khoảng hơn 85 triệu dân, trong đó Hà Nội có hơn 7 triệu người. So với tiêu chuẩn thành phố có hơn 3 triệu dân được gọi là mật độ dân cư đông thì Hà Nội đang có tốc độ phát triển dân số rất lớn. Do vậy nhu cầu về nhà ở tăng cao.

 

Khoảng 1.000 dự án sắp được "giải thoát"


Ngày 27/7, tại hội thảo "Phát triển thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội: Cơ hội và thách thức", Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Trần Nam cho biết, thời gian tới, Thủ tướng sẽ phê duyệt quy hoạch Thủ đô, trong đó sẽ "giải thoát" cho 800 dự án đang bị dừng vì Hà Nội mở rộng và hơn 200 dự án nhà cao tầng. Đây sẽ là nguồn cung mạnh mẽ cho thị trường BĐS Hà Nội, góp phần làm giảm nhiệt cho thị trường này. Tuy nhiên, về lâu dài, Thứ trưởng cho rằng, cần phải đẩy mạnh lượng cung đồng thời phải định hướng được cho doanh nghiệp, nhận thức được đúng đắn và đầy đủ hơn về loại hàng hóa có tính phức tạp này và dần dần đưa tới sự nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn, làm minh bạch và trong sáng hơn thị trường BĐS.


Ông Nam cũng đưa ra một vài gợi ý: Mặc dù thị trường BĐS TP. HCM có xu hướng trầm lắng hơn, hàng dồi dào hơn và giá cả thấp hơn so với Hà Nội, nhưng thị trường vẫn luôn chuyển động, vì hầu hết các dự án đều do doanh nghiệp tư nhân làm. Vì vậy, các doanh nghiệp làm rất quyết liệt và năng động, người dân có tâm lý mạnh bạo trong việc đầu tư. Hiện nay, sau một thời gian cung hàng mạnh cho phân khúc trung và cao cấp, hiện các doanh nghiệp TP. HCM đang chuyển sang phân khúc nhà thấp và trung bình, đồng thời mở rộng ra các tỉnh lân cận như Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, cá biệt đã có công ty "Bắc tiến" ra Hà Nội (Công ty Đất Xanh là một ví dụ). Điều này cho thấy sự năng động và quyết liệt của các doanh nghiệp phía Nam sẽ tạo ra cục diện mới cho thị trường BĐS nói chung, thị trường BĐS Hà Nội nói riêng.


Sự lựa chọn cho tương lai


Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, không gian đô thị sẽ được mở rộng, nhằm giãn bớt mật độ cho khu vực lõi trung tâm với việc mở rộng không gian nội đô đến vành đai xanh sông Nhuệ và hình thành chuỗi các đô thị mới dọc Vành đai 4 phía Bắc và Nam sông Hồng. Như vậy theo định hướng này Vành đai 4 sẽ là giới hạn mới của thành phố trung tâm, khu vực phía Bắc sông Hồng và Tây, Tây - Nam thành phố sẽ là những khu vực hứa hẹn cho các dự án phát triển các đô thị mới.


Về định hướng phát triển nhà ở, khu vực nội đô hạn chế phát triển các dự án nhà ở mới trong khu vực trung tâm (4 quận nội thành cũ); Cải tạo các khu nhà chung cư cũ theo hướng không cho phép tăng quy mô dân số và hạn chế phát triển cao tầng (trên 9 tầng). Với khu vực mở rộng đô thị sẽ phát triển nhà ở đồng bộ theo các dự án đô thị mới, hạn chế phát triển dự án nhà ở đơn lẻ; Khuyến khích phát triển nhà ở chung cư cao tầng nhằm tiết kiệm quỹ đất; Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, trong đó ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà ở chi phí thấp (nhà ở sinh viên, nhà cho người thu nhập thấp).


Từ những định hướng này và những số liệu về lượng cầu nhà ở, có thể thấy xu hướng phát triển loại hình nhà ở chung cư cao tầng sẽ là một lựa chọn tất yếu cho tương lai và phân khúc nhà ở chi phí thấp sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.


Để bình ổn thị trường, các chuyên gia cũng đưa ra hàng loạt giải pháp từ vấn đề quản lý đất đai, nhà ở, ban hành cơ chế khuyến khích các giao dịch chính thức, có chế tài đủ mạnh để hạn chế các giao dịch "ngầm"... Giải pháp lớn tạo điều kiện thị trường BĐS phát triển lành mạnh là phải tập trung hoàn chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Công bố công khai quy hoạch được duyệt; xây dựng lộ trình, bước đi cụ thể; Xây dựng cơ chế chính sách tài chính cho thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững. Trên cơ sở Quy hoạch được duyệt, thành phố cần có cơ chế công tác phát triển quỹ đất, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất "sạch" sẵn có để kêu gọi đầu tư và điều tiết thị trường khi cần thiết.