Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Phát triển chuỗi đô thị vệ tinh] Bài cuối: Sơn Tây chưa phát huy được lợi thế

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù được quy hoạch thành một trong những đô thị vệ tinh (ĐTVT) của Hà Nội từ lâu, nhưng đến nay, thị xã Sơn Tây vẫn chưa cho thấy điều gì chứng tỏ đang dần trở thành ĐTVT của Thủ đô. Tiến độ thực hiện một số quy hoạch phân khu rất chậm, do vậy công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng của thị xã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thiếu kết nối
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng thị xã Sơn Tây là 1 trong 5 ĐTVT của TP; là thị xã ngoại thành, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật phía Tây Bắc Thủ đô, có định hướng đô thị văn hóa lịch sử và du lịch nghỉ dưỡng. Trên cơ sở định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch chung thị xã Sơn Tây lồng ghép ĐTVT Sơn Tây đã được UBND TP phê duyệt từ năm 2015. Theo đó, diện tích ĐTVT này hơn 12.000ha gồm toàn bộ thị xã Sơn Tây và xã Cam Thượng, huyện Ba Vì.
 Phối cảnh quy hoạch thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đến năm 2030.
Định hướng tổ chức phát triển không gian tại đô thị bao gồm hai khu vực chính là khu vực phát triển đô thị và khu vực ngoại thị (nông thôn), khu vực du lịch sinh thái. Trong đó, khu vực phát triển đô thị nằm phía Bắc thị xã Sơn Tây, là đầu mối giao thông của nhiều tuyến đường kết nối với trung tâm Hà Nội và các tỉnh lân cận như QL32, QL21, đường tránh QL32, đường Vành đai 5 và cũng là đầu mối giao thông đường thủy và cảng sông Hồng.

Đáng chú ý, tại khu vực này sẽ được xây dựng theo hướng vừa hiện đại vừa mang nét bản sắc của địa phương với các quảng trường trục không gian xanh kết nối với công viên cây xanh hai bên sông Tích. Tạo một số công trình công cộng, điểm nhấn cao tầng ở khu vực trung tâm, quảng trường đô thị. Khu vực tổ hợp y tế, cụm trường đại học phát triển không gian hiện đại, mật độ xây dựng thấp.

Khu vực ngoại thị và khu vực du lịch sinh thái nằm phía Nam thị xã, gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp, khu cảnh quan thiên nhiên: hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh; tạo nên vùng hành lang xanh nông nghiệp, sinh thái, mật độ xây dựng thấp.

Mạng lưới giao thông tại ĐTVT Sơn Tây cũng được quy hoạch hiện đại với hệ thống đường bộ và đường cấp đô thị gồm đường Vành đai 5; QL32, QL21A; trục Tây Thăng Long; đường nối từ Thành cổ đến phía Bắc đền Và; đường nối với khu trung tâm mới và khu tổ hợp trường đại học, y tế; các tuyến tỉnh lộ. Đường sắt ngoại ô gồm tuyến đường sắt Hà Nội - Sơn Tây (tuyến đường sắt đô thị số 3 kéo dài) xây dựng dọc QL32 và tuyến đường sắt Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh phía Tây TP, xây dựng dọc theo hành lang phía Tây QL21A.

Theo quy hoạch, trong giai đoạn 2015 - 2020 tập trung triển khai đầu tư các dự án đã có và các dự án yêu cầu bức thiết về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng các dự án hạ tầng khung, công trình đầu mối cho phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn và yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng chung của Thủ đô trong giai đoạn ngắn hạn.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại ĐTVT Sơn Tây còn rất “khiêm tốn”. Các dự án kết nối với hạ tầng khung của trung tâm TP và vùng xung quanh phía Tây Bắc Hà Nội hầu như chưa được thực hiện. Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Viết Đạt chia sẻ: "Nếu để nói thị xã Sơn Tây được quan tâm đầu tư đúng theo mục tiêu trở thành ĐTVT của TP Hà Nội thì đúng là cần phải được quan tâm đầu tư hơn nữa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một trong số đó là nguồn lực của TP còn hạn chế".

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cũng bày tỏ, Nhân dân và chính quyền thị xã đều mong muốn UBND TP, Chính phủ và các cơ quan, ban ngành quan tâm đầu tư hơn nữa cho thị xã để sớm trở thành ĐTVT của TP Hà Nội.

Giao 3 đơn vị lập 14 quy hoạch phân khu

Trước thực trạng chậm triển khai các quy hoạch phân khu ĐTVT Sơn Tây, nhiều cử tri và đại biểu HĐND TP đã có chất vấn và đề nghị UBND TP cho biết nguyên nhân và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch phân khu này.

Mới đây UBND TP đã có văn bản trả lời cho biết, năm 2020, ý tưởng quy hoạch phân khu trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã được Công ty CP Tập đoàn T&T phối hợp với đơn vị tư vấn nước ngoài tổ chức nghiên cứu. Tuy nhiên, do có vướng mắc về cơ chế tiếp nhận tài trợ của DN bằng sản phẩm (đồ án quy hoạch) nên chưa có cơ sở triển khai tiếp theo. Do đó, Sở QH - KT đã có các công văn báo cáo UBND TP xem xét giao cho UBND thị xã Sơn Tây, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP tiếp tục thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu đô thị theo đúng quy định hiện hành.

Trên cơ sở kiến nghị của Sở QH - KT, UBND TP đã thống nhất giao lại ý tưởng quy hoạch của đơn vị tổ chức lập các quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn thị xã Sơn Tây cho 3 đơn vị trên triển khai các bước tiếp theo.

Như vậy, để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong việc giao DN tài trợ sản phẩm và để đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn thị xã Sơn Tây, UBND TP đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc TP tổ chức lập 14 đồ án. Trong đó, giao UBND thị xã Sơn Tây lập 8 đồ án; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội tổ chức lập 4 đồ án; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP lập 2 đồ án.

Đến nay, UBND thị xã Sơn Tây đã cơ bản hoàn thiện đối với 5 nhiệm vụ quy hoạch tại khu vực ST1, dự kiến trình thẩm định trong tháng 9/2021 và trình TP trong tháng 10/2021. Các đồ án quy hoạch còn lại đang được UBND thị xã hoàn thiện theo quy trình, quy định. Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã cơ bản hoàn thiện 4 đồ án quy hoạch, dự kiến trình thẩm định trong tháng 9/2021 và dự kiến trình TP trong tháng 10/2021. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của TP để đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện, đảm bảo quy trình và quy định hiện hành.

"Sơn Tây là ĐTVT ở cửa ngõ Tây Bắc của Hà Nội; là đô thị cổ, đô thị văn hóa lịch sử đã có quá trình phát triển với nhiều lợi thế. Trong đó, nổi bật là giá trị về văn hóa truyền thống với hệ thống di sản văn hóa, kiến trúc đặc sắc không chỉ của Hà Nội mà còn là của cả nước. Do vậy, để thúc đẩy ĐTVT này phát triển, phát huy thế mạnh, phải hoàn toàn đổi mới về nhận diện bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình như Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm… Đô thị này cũng cần được chú trọng phát triển đô thị sinh thái, du lịch gắn với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần đẩy mạnh các dự án để kết nối với hệ thống hạ tầng khung của TP và vùng xung quanh." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm